Bí mật phía sau “bếp ăn hợp chủng quốc” ở Viettel World Cup 2016

Thứ Tư, 12/10/2016, 18:43
Một đội ngũ hùng hậu đã phải nỗ lực rất lớn bởi mỗi bữa, nhà bếp phải phục vụ trên dưới 250 người ăn. 10 đầu bếp phải làm việc từ 5 giờ sáng tới gần 22 giờ đêm, thậm chí có ngày họ phải làm việc tới 2 giờ sáng hôm sau…

Bữa ăn của 11 quốc gia tới từ 3 châu lục

Bếp trưởng Chu Văn Lâm có lẽ là người hiểu rõ nhất những hy sinh và cố gắng phía sau hậu trường Viettel World Cup - giải đấu toàn cầu của Viettel. 

Hơn 2 tuần diễn ra giải đấu là một trong những trải nghiệm đặc biệt nhất của ông Lâm khi bếp ăn của Trung tâm Thể thao Viettel phải phục vụ các đoàn vận động viên tới từ 17 đội bóng thuộc 11 quốc gia khác nhau trên ba châu lục (châu Á, châu Phi, châu Mỹ) với hàng loạt các tôn giáo như Đạo Hồi, Phật giáo, Thiên chúa giáo...

Các cầu thủ đến từ 11 quốc gia ở 3 châu lục với nhiều tôn giáo khiến các đầu bếp phải kết hợp hài hòa các phong cách ẩm thực.

Thử thách đầu tiên cho bếp trưởng Văn Lâm là việc có nên lựa chọn hình thức ăn buffet. Lãnh đạo Viettel muốn tổ chức ăn tự chọn để các vị khách nước ngoài có thể cảm thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên, sự khác biệt về khẩu vị của từng nước khiến việc lựa chọn thực đơn trở nên rất phức tạp. Bếp trưởng Văn Lâm kể lại: “Để đáp được nhu cầu, mình phải tìm tòi qua mạng và báo đài, đọc kỹ từng nước một để đáp ứng được sở thích và nhu cầu của họ.”

“Nấu ăn cho người nước ngoài không hề đơn giản mà khá phức tạp vì khẩu vị của họ khác hoàn toàn với người Việt. Ví dụ một số nước không ăn được mỳ chính, chỉ ăn muối với đường. Một số nước lại không ăn được nước mắm, tôi nấu đồ phải vừa duy trì lượng nước mắm cho người Việt, vừa giảm nó xuống mức vừa đủ cho các bạn châu Phi.”

“Tôi cũng sớm nhận thông tin rằng có một số bạn đạo Hồi kiêng thịt lợn. Vì thế, chúng tôi phải làm thực đơn món ăn đa dạng hơn. Để nếu bạn kiêng thịt lợn, bạn sẽ có thể ăn nhiều thịt bò, cá, hải sản, trứng hơn...”.

Thậm chí khi đã có đủ món ăn, các cầu thủ nước ngoài cũng không dám ăn vì họ không biết tiếng Việt, không đọc được tên món trên bảng. Khi đó, đầu bếp Việt Nam lại phải giải thích cho họ và làm thêm các món mới.

Nhiều cầu thủ nước ngoài thích thú với các món ăn Việt.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng ấy, bếp ăn của Viettel đã cung cấp những bữa ăn với hàng chục món đa dạng. Buffet có đủ các món Việt như thịt kho, rau luộc, cá kho nhưng cũng có khoai tây, các loại thịt hầm, đồ cho người theo Đạo Hồi, Đạo Hindu... Các món ăn đa dạng, thay đổi từng ngày, đảm bảo cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho hoạt động thể thao.

Những hy sinh thầm lặng trong căn bếp

Trong câu chuyện với chúng tôi Bếp trưởng Chu Văn Lâm chỉ nói đơn giản rằng, mọi người trong bếp đều hiểu đặc thù công việc của ngành ăn uống này rất vất vả nên cũng coi chuyện đó là bình thường. 

Với anh Lâm, niềm vui nho nhỏ của công việc này chính là khi những món ăn mình làm ra được người khác khen ngợi: “Khi mới tới đây, các bạn nước ngoài khá ngại ngần và chỉ dám thử ăn đồ Việt. Nhưng sau khi đã quen, họ đều rất thích các món Việt Nam. Đó là điều làm tôi thấy thích và vui nhất”. 

Cùng với anh Lâm, Hoàng Mạnh Cường (26 tuổi, trợ lý phòng chính trị Viettel Global) cũng là một nhân vật đặc biệt của Viettel World Cup 2016. Anh Cường chính là người phụ trách liên lạc với cả 17 đội bóng tham dự giải năm nay.

10 đầu bếp phải làm việc từ 5 giờ sáng tới gần 22 giờ đêm, thậm chí có ngày họ phải làm việc tới 2 giờ sáng hôm sau…

Cường phải làm đầu mối liên kết 17 trưởng đoàn, đón họ ở sân bay, sắp xếp nơi ăn, chốn nghỉ, đảm bảo mọi sinh hoạt tối thiểu cho họ tại trung tâm. Do khác biệt về văn hóa và thói quen, Cường nhiều khi phải lên tận phòng gọi từng cầu thủ nước ngoài, chăm sóc từng ly từng tí cho họ.

Nhờ nỗ lực của những người như anh Lâm và Cường, Viettel World Cup đang thành công cả trên khía cạnh chuyên môn và công tác tổ chức. Các đội bóng nước ngoài tới Việt Nam được trang bị đủ mọi thứ, được mua sẵn điện thoại có lắp sim, được phát tiền tiêu vặt. Cơ sở vật chất phòng ốc ở Viettel cũng được đánh giá cao, với “tiêu chuẩn 5 sao” như nhận xét của các cầu thủ đến từ Mozambique, Haiti, Tanzania, Cameroon…

Thanh Hà
.
.
.