Bắt bệnh Đội tuyển từ...V.League

Thứ Bảy, 17/12/2016, 11:16
Cuộc mổ xẻ thất bại của Đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Suzuki Cup năm nay giữa HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng cùng các quan chức VFF đã đi tới một vấn đề rất quan trọng: Từ nay trở đi phải mạnh tay với những biểu hiện phi luật ở V.League, vì chính những biểu hiện phi luật được bao che, dung túng ấy đã làm hại Đội tuyển.

Trong và sau cuộc họp này, HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng không ngừng nhấn mạnh đến yếu tố "lỗi cá nhân", làm phá sản những toan tính chiến thuật của ông. Cụ thể, trong trận đấu cuối cùng tại vòng bảng, ông chỉ muốn Công Vinh đá khoảng 30 - 40 phút, nhưng chiếc thẻ đỏ đến từ một lỗi kéo người lãng nhách của Đình Luật đã khiến ông không thể thực hiện được điều này. Cũng từ chiếc thẻ đỏ này mà ông buộc phải thay Công Phượng ra sân từ rất sớm, thay vì để Công Phượng có thêm thời gian thi đấu, làm quen với "cảm giác thi đấu" theo ý định trước đó của mình.

Đến hai trận bán kết với Indonesia thì quá rõ, ở trận lượt đi, Quế Ngọc Hải phạm lỗi trong vòng cấm, dẫn đến quả phạt đền, khiến Đội tuyển Việt Nam thua 1-2, còn ở trận lượt về lại đến lượt thủ thành Nguyên Mạnh trả đũa, đạp vào người đối phương - dù là một tình huống trả đũa rất kín và nhẹ nhưng vẫn không qua mắt được trọng tài.

Tai hại ở chỗ, sau chiếc thẻ đỏ của Nguyên Mạnh, Đội tuyển không chỉ thiếu người mà còn thiếu luôn cả một thủ môn chính hiệu do đã thực hiện hết 3 quyền thay đổi người trước đó. HLV Hữu Thắng cho biết, ông đã tính toán đến khá nhiều biện pháp nhân sự cùng các miếng đánh để "chơi tất tay" với Indonesia, nhưng chiếc thẻ đỏ ấy đã làm phá sản tất cả.

Theo một thành viên của Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia thì những lỗi cá nhân của Đình Luật, Ngọc Hải, Nguyên Mạnh bắt nguồn từ thói quen vốn có lâu nay của họ tại sân chơi V.League. Thực tế là nếu ở V.League, lỗi của Đình Luật, Nguyên Mạnh có thể chỉ phải nhận thẻ vàng, chứ không phải thẻ đỏ.

Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia còn phân tích rất kỹ tình huống tiền vệ Trọng Hoàng bỏ bóng, lao cả gầm giầy vào phạm lỗi với cầu thủ Indonesia trong trận lượt đi, và may mắn chỉ phải nhận thẻ vàng. Nếu nghiêm khắc, trọng tài thậm chí có thể rút thẻ đỏ trực tiếp với Trọng Hoàng, và khi ấy có thể số phận của Đội tuyển Việt Nam đã được định đoạt ngay từ lượt đi.

Để tránh tất cả những sự cố không đáng có, dẫn đến việc HLV trưởng Đội tuyển bị "vỡ bài", Hội đồng HLV Quốc gia kiến nghị, từ mùa giải tới, các trọng tài nhất thiết phải xử lý nghiêm khắc với các pha phạm lỗi kiểu như của Trọng Hoàng, Đình Luật, Nguyên Mạnh, Quế Ngọc Hải, vì chỉ có như vậy các cầu thủ mới hình thành một thói quen ứng xử tình huống một cách đúng luật.

HLV Hữu Thắng (giữa) trong buổi họp rút kinh nghiệm với các quan chức VFF. Ảnh: H.M.

Thêm nữa, các đội bóng và ngay cả Đội tuyển Quốc gia, Đội tuyển U.23 Quốc gia tới đây cũng cần có các chuyên gia để phân tích, giảng giải luật thi đấu một cách cặn kẽ cho các cầu thủ, tránh trường hợp các cầu thủ phạm luật mà cũng không biết là phạm luật nên liên tục phản ứng trọng tài.

Thực tế, ngay từ vài năm trước, khi Trần Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An) đá gãy chân cầu thủ Anh Hùng (An Giang), Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã lên tiếng nhắc nhở các trọng tài phải ra tay mạnh mẽ với vấn nạn bạo lực sân cỏ. Nhưng sau "án điểm" dành cho Đình Đồng, vấn đề bạo lực cùng thói quen thi đấu "phi luật" ở sân chơi này cũng không vì thế mà giảm nhiệt.

Đã có lúc người ta nghĩ đến chuyện một số trọng tài thực sự kém bản lĩnh, thậm chí gặp phải vấn đề nào đó về tư tưởng nên không dám "xử" nặng và vì thế hàng loạt biện pháp cải cách đội ngũ trọng tài đã được đưa ra.

Chờ xem, khi VFF một lần nữa tuyên chiến với bạo lực và những ứng xử phi văn hoá sân cỏ thì V.League 2017 tới đây rốt cuộc có thay đổi gì không?

"Bệnh V.League" trầm kha

Trước thềm AFF Suzuki Cup năm nay, Báo Công an nhân dân đã có bài viết "Đừng để V.League hại mình", trong đó có đoạn: "Quan sát những trận đấu tập huấn trước thềm AFF Suzuki Cup 2016 vừa qua của thầy trò Nguyễn Hữu Thắng, phải thừa nhận có rất nhiều cái được, mà được nhất là ý chí, tinh thần thi đấu hết mình của các cầu thủ. Nhưng bên cạnh những cái được đó, cũng phải thẳng thắn nói với nhau, chúng ta đã bộc lộ một số "bệnh V.League", mà đáng sợ nhất là bệnh đá láo, đá ẩu.

Trận giao hữu mới nhất giữa Đội tuyển Việt Nam với CLB Avispa Fukuoka (Nhật Bản), có không ít tình huống cầu thủ ta vào bóng mạnh mẽ trên mức cần thiết. Nó không chỉ là "trên mức cần thiết" trong hệ quy chiếu của một trận đấu giao hữu, mà còn "trên mức cần thiết" trong khuôn khổ của luật lệ.

Điển hình nhất là tình huống trung vệ Quế Ngọc Hải vào bóng bằng gầm giày với một cầu thủ đối phương khiến cầu thủ này lăn lộn nằm sân và sau đó đã phải trực chỉ Bệnh viện Cần Thơ chụp X Quang tức thời. Nếu đây không phải là một trận giao hữu, diễn ra ở Việt Nam, mà là một trận đấu chính thức ở AFF Suzuki Cup, chắc chắn Quế Ngọc Hải sẽ "ăn" thẻ đỏ, và Đội tuyển Việt Nam sẽ rơi vào cảnh thiếu người. Khi đó, khỏi nói ai cũng hình dung được, chúng ta sẽ thiệt đơn thiệt kép như thế nào".

Sau bài viết này chúng tôi nhận phải không ít trách móc của những người liên quan, rằng "cứ bới bèo ra bọ". Tiếc thay, cái gọi là "bới bèo ra bọ" ấy đã trở thành sự thật, và ai cũng thấy ở bán kết AFF Cup năm nay, chúng ta đã tự thua chính mình hơn là đối phương giành chiến thắng.

Tuấn Thành


Máu lửa và bạo lực đôi khi là một khoảng cách mong manh

Chủ tịch Hội đồng Huấn luyện viên Quốc gia Nguyễn Sĩ Hiển đánh giá Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng luôn ra sân với tinh thần thi đấu máu lửa, hết mình. Đó là cái được, cần hoan nghênh. Tuy nhiên ông Hiển lưu ý rằng ranh giới giữa sự máu lửa với bạo lực đôi khi rất mong manh nên ban huấn luyện Đội tuyển luôn phải nhắc nhở các cầu thủ về điều này.

Ông Hiển kết luận: "Nếu để các cầu thủ, hoặc có ý thức, hoặc vô thức đồng nhất máu lửa với bạo lực và sẵn sàng phản ứng với đối thủ, trọng tài một cách bản năng thì quá nguy hiểm. Khi ấy khả năng chúng ta lại mất người vì thẻ phạt là rất lớn, và khi mất người, sự thiệt thòi như thế nào là điều ai cũng đã rõ cả rồi".

Hoàng Anh
.
.
.