Bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 tăng giá: Bài toán kinh tế khó giải

Thứ Bảy, 25/04/2020, 07:53
Theo những thông tin mới nhất, đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 là Lagardere Sports and Entertainment (LSE) đang đưa ra mức giá lên đến 5 triệu USD cho các đối tác Việt Nam. Mức giá này vượt xa AFF Cup 2018, giải đấu mà thầy trò HLV Park Hang-seo đăng quang ngôi vô địch.

Mặt trái của tình yêu

Lý giải về mức giá cao của bản quyền truyền hình AFF Cup 2020, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính nằm ở tình yêu bóng đá của người Việt Nam. Việc đội tuyển của HLV Park Hang-seo liên tục gặt hái những thành công trong suốt hơn 2 năm qua đã thúc đẩy nhu cầu được theo dõi các trận đấu, các tuyển thủ của người hâm mộ.

Nắm bắt được nhu cầu đó, LSE đã đưa ra một mức giá vượt xa so với AFF Cup 2018 và những dự đoán ban đầu. AFF Cup 2020 vốn đang bị nghi ngờ sẽ không thể có chất lượng cao nhất bởi những ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tất cả các giải đấu của khu vực Đông Nam Á đều phải tạm hoãn và đều phải trở lại muộn, có thể thi đấu đến hết nửa cuối năm. AFF Cup cũng không phải giải đấu nằm trong hệ thống của FIFA, vì vậy các CLB cũng không cần phải nhả người.

Trong trường hợp các giải VĐQG phải diễn ra song song với thời điểm tổ chức AFF Cup, các ĐTQG có thể sẽ không triệu tập được nhiều ngôi sao trụ cột. Thái Lan, đội bóng đang giữ kỷ lục về số lần Đông Nam Á, không giấu giếm việc có thể cử đội U23 tham dự giải.

Các CĐV chờ đợi được chứng kiến thầy trò HLV Park Hang-seo bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup.

Tuy nhiên, những phân tích đó không làm cho sức hút của ĐT Việt Nam giảm đi ở giải đấu được xem là quan trọng nhất năm. Các hành trình của đội tuyển luôn luôn thu hút hàng triệu CĐV cuồng nhiệt trên khắp đất nước, và những đơn vị nắm bản quyền truyền hình hiểu rõ điều đó. Họ dĩ nhiên phải tối ưu hóa doanh thu và lợi nhuận, bởi thừa hiểu rằng các đối tác tại Việt Nam sẽ tìm mọi cách để có được những hình ảnh chất lượng nhất về thầy trò ông Park Hang-seo.

Thực trạng này đẩy các nhà đài, công ty truyền thông vào thế khó. Hai năm trước, cũng chính LSE là đơn vị bán bản quyền truyền hình AFF Cup 2018 tại Việt Nam cho VTV (Đài truyền hình Việt Nam) và Next Media (Công ty cổ phần Giải pháp truyền hình thế hệ mới). VTV sở hữu bản quyền phát trên các nền tảng miễn phí, còn Next Media sở hữu bản quyền trên các nền tảng trả tiền như truyền hình cáp, IPTV, OTT, phát thanh, Internet, mạng xã hội, mạng di động và các hoạt động trình chiếu công cộng. Con số cách đây hai năm mà hai đơn vị này phải trả là 2 triệu USD (mỗi đơn vị 1 triệu USD).

Tại AFF Cup 2020, LSE gộp chung cả bản quyền truyền hình miễn phí lẫn nền tảng trả tiền để bán thành một gói độc quyền có mức giá gấp đến 2,5 lần giải đấu cách đây 2 năm. Next Media hiện tại vẫn đang là đơn vị tiên phong đàm phán hợp đồng, trong khi một số đài truyền hình cho rằng mức giá này quá cao, cần có sự hợp tác để tránh bị ép giá.

Bài toán kinh tế

Câu hỏi luôn được đặt ra trong trường hợp này là các đơn vị mua bản quyền truyền hình sẽ thu lại được gì để đạt được doanh thu và lợi nhuận mong muốn. Khai thác quảng cáo, dĩ nhiên, luôn là nguồn thu hàng đầu. Mặc dù vậy, việc bản quyền truyền hình tăng lên cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải chi trả nhiều hơn cho vài giây xuất hiện trước, trong và sau các trận đấu.

Hãy cùng nhìn lại các con số cách đây 2 năm. Theo đơn giá quảng cáo cho các trận đấu có ĐT Việt Nam tại vòng bảng giải bóng đá AFF Cup 2018 của VTV, mỗi quảng cáo trên thời lượng 30 giây có giá 350 triệu đồng trên kênh VTV6. Đối với thời lượng ngắn hơn, mức giá giảm dần xuống còn 262,5 triệu đồng cho 20 giây quảng cáo, 210 triệu đồng là 15 giây, 175 triệu đồng tương ứng 10 giây.

Vào vòng bán kết, giá mỗi quảng cáo tăng từ 25 – 37,5 triệu đồng. Ở trận chung kết, mỗi quảng cáo thời lượng 30 giây có giá 950 triệu đồng, 10 giây là 475 triệu đồng, 15 giây là 570 triệu đồng, 20 giây là 712,5 triệu đồng. Đây là mức giá quảng cáo cao kỷ lục, cao hơn quảng cáo trong các trận đấu World Cup 2018 mà VTV mua bản quyền

Con số này chắc chắn sẽ tăng lên khi bản quyền truyền hình của AFF Cup 2020 gấp AFF Cup 2018 đến 2,5 lần. Một doanh nghiệp có thể phải bỏ ra đến cả tỷ đồng cho 30 giây quảng cáo cho một trận đấu vòng bảng có sự xuất hiện của thầy trò HLV Park Hang-seo. Và đương nhiên nhà đương kim vô địch tiến càng sâu, khoản tiền sẽ càng lớn.

Con số đó là quá lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Trong cảnh phải “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua giai đoạn khó khăn do sản xuất kinh doanh bị đình đốn, liệu các doanh nghiệp có sẵn sàng “móc ví chơi lớn” ngay lúc này để đặt quảng cáo tại AFF Cup 2020 với mức giá dự tính cao như vậy? Họ còn cần thời gian để xây dựng chiến lược quảng cáo, PR phù hợp, không thể chờ thời điểm hết dịch mới bắt đầu mọi thứ.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho các đài truyền hình còn dè dặt trong việc tiếp cận với bản quyền truyền hình AFF Cup 2020. Vẫn biết tình yêu mà các CĐV dành cho đội tuyển là rất lớn, song bài toán kinh tế đặt ra phải có lời giải hợp lý.

LSE chưa đưa ra thời hạn chót cho việc đàm phán hợp đồng, nhưng có thể họ sẽ đặt ra mốc trước khi vòng loại World Cup 2022 diễn ra vào tháng 10. AFF Cup theo như dự kiến sẽ diễn ra từ ngày  23-11 đến 31-12.

Bản quyền truyền hình sẽ ngày càng tăng giá

Giống như tất cả các giải bóng đá khác, bản quyền truyền hình của AFF Cup tăng theo đúng “lộ trình”. Chỉ cần nhìn vào tiền bản quyền truyền hình của World Cup 2006 (2 triệu USD), 2010 (2,7 triệu USD), 2014 (7 triệu USD) và 2018 (14 triệu USD), có thể thấy rõ chuyện mức giá sẽ còn tiếp tục tăng ở các giải đấu tiếp theo.

Điều “lạ” là các đơn vị truyền thông, truyền hình ở Việt Nam là dù có đắt đến đâu, cuối cùng không đơn vị này thì đơn vị khác cũng sẽ nắm giữ bản quyền truyền hình, bởi họ nhìn thấy rõ lợi nhuận thu về nhờ tình yêu bóng đá khổng lồ của các khán giả Việt.

Cũng vì lẽ đó, dù việc “hợp tác, bắt tay” để cùng chia sẻ bản quyền và miếng bánh lợi nhuận luôn được đề ra, song nó dường như không khả thi bởi chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng xung đột quyền lợi, cùng với nỗi sợ hãi nạn xâm phạm bản quyền khá phổ biến tại Việt Nam.

Đơn Ca
.
.
.