Dự luật cải cách lao động tiếp tục gây căng thẳng tại Pháp

Chủ Nhật, 29/05/2016, 09:12
Ngày 28-5, hoạt động biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động trên toàn quốc tại Pháp đã bước sang ngày thứ 3 với hàng loạt cuộc xung đột giữa cảnh sát với người biểu tình và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


Mặc dù vậy, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ tiếp tục thực thi các cải cách lao động vì đó là những cải cách tốt, đồng thời cam kết chính phủ sẽ lo việc đi lại của người dân vốn đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc đình công của ngành đường sắt và sự thiếu thốn nhiên liệu.

Đáp lại tuyên bố trên, các nghiệp đoàn Pháp đã kêu gọi công nhân gia tăng đình công để phản đối đạo luật cải cách lao động. Đại diện các nghiệp đoàn tuyên bố phản ứng của chính phủ đối với các cuộc đình công, cũng như thái độ không chịu nhượng bộ trong việc rút lại đạo luật gây tranh cãi chỉ làm tăng thêm quyết tâm của những người phản đối đạo luật.

Một vụ đụng độ giữa cảnh sát Pháp và người biểu tình. Ảnh: Getty Images

Lời kêu gọi được đưa ra 1 ngày sau khi cảnh sát bắn hơi cay vào một nhóm thanh niên đập phá các cửa hiệu và xe hơi đỗ tại trung tâm Paris, trong một cơn giận dữ mới nhất đối với đạo luật mà họ cho là nhiều bất công đối với người lao động. Trước đó, ngày 26-5, giới chức Pháp cho biết, khoảng 153.000 người đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình phản đối trên toàn quốc.

Tuy nhiên, phía các nghiệp đoàn tổ chức biểu tình lại cho rằng con số thực tế thậm chí cao gấp đôi, vào khoảng 300.000 người. Nhiều nhóm biểu tình đã phong tỏa các tuyến đường, các cây cầu trong khi các lái tàu và nhiều nhân viên hàng không cũng bắt đầu đình công, còn các nghiệp đoàn phản đối dự luật vẫn kêu gọi nhân viên hệ thống tàu điện ngầm Paris luân phiên đình công trong ngày khai mạc Euro 2016 diễn ra vào 10-6 tới.

Khi được hỏi rằng về khả năng làm gián đoạn mùa giải Euro 2016, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Pháp Philippe Martinez trả lời: “Chính phủ có thể nói “hãy tạm ngưng lại” và mọi việc sẽ ổn”. Đại diện của Liên đoàn Naima còn nói nếu giải thi đấu Euro 2016 bị gián đoạn thì đó là lỗi của Chính phủ Pháp.

Cũng tại Paris, một nhóm biểu tình quá khích gồm khoảng 100 thanh niên trẻ tuổi đeo mặt nạ đã tách ra khỏi đám đông biểu tình, đập phá các cửa hàng và nhiều ôtô đỗ trên đường khiến cảnh sát buộc phải dùng tới hơi cay để giải tán. Phía cảnh sát cho hay đã bắt giam ít nhất 62 người trong khi 15 nhân viên an ninh đã bị thương trong các vụ đụng độ giữa hai bên xảy ra trong các cuộc xung đột.

Được bắt đầu từ tháng 3, làn sóng đình công, biểu tình tại Pháp nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà chính phủ đưa ra với nội dung tạo điều kiện cho các chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên. Và chính phủ cho rằng, nội dung cải cách là rất quan trọng để chống lại tình trạng thất nghiệp cao tại nước này, hiện đang ở mức trên 10% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, phe phản đối chỉ trích dự luật này làm tổn hại tới các quyền cơ bản của người lao động. Các nghiệp đoàn tuyên bố sẽ tiếp tục đình công cho tới khi chính phủ nhượng bộ. Bất chấp tình hình này, Thủ tướng Pháp Manuel Valls khẳng định chính phủ sẽ không từ bỏ nhưng cho biết vẫn có thể có những “thay đổi” hoặc “cải thiện” trong điều luật gây tranh cãi này, nhưng các nghiệp đoàn lao động không thể áp đặt một đạo luật lên Chính phủ.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không hủy bỏ chúng (luật cải cách mới)”, và rằng, Luật cải cách lao động là một đạo luật tốt cho cả doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy một số thành viên trong Đảng Xã hội cầm quyền Pháp lung lay, trong đó Bộ trưởng Tài chính Michel Sapin đề xuất nên viết lại phần gây tranh cãi nhất trong đạo luật. Thủ tướng Valls đã ngay lập tức “quở trách” Bộ trưởng Sapin và bác việc sửa điều khoản gây tranh cãi vốn cho phép các công ty tư nhân có thêm điều kiện hơn nữa trong việc đề ra các điều kiện lao động.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.