"Bênh" Ukraine để đối đầu với Nga là một sai lầm

Thứ Ba, 29/12/2015, 08:23
Trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình Zvezda TV ngày 28-12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, hầu hết các nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) đều cho rằng, việc tìm kiếm một cuộc đối đầu với Moskva vì vấn đề Ukraine là một sai lầm.


Theo Ngoại trưởng Nga, điều mà nhiều nước EU tuyên bố một cách công khai đôi khi lại mâu thuẫn với “điều mà họ nói với bạn, khi không ai nghe thấy”.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga nêu rõ: “Đa số các nước thành viên EU đều nói với tôi rằng, đó là một lỗi lầm khi tìm cách đối đầu với Nga vì Ukraine. Tự Ukraine đã trở thành một nạn nhân của chính sách châu Âu, chính sách đã “ép” Kiev phải lựa chọn giữa Moskva và Brussels, thay vì một chính phủ đoàn kết dân tộc, được quy định trong thỏa thuận thúc đẩy bởi Đức, Pháp, Ba Lan”.

Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng, họ (các nước EU) đều nói rằng, hãy để mọi người bình tĩnh một chút, cần phải thực thi Thỏa thuận hòa bình Minsk, và sau đó chúng ta sẽ trở lại bình thường, trở lại với mối quan hệ đối tác chiến lược. Tuy nhiên, khi họ tổ chức họp với nhau và phát biểu trước công chúng, họ lại không nhắc lại điều này, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.

Về phía Ukraine, thời hạn chót để nước này thanh toán khoản nợ 3 tỉ USD cho Nga đã quá một tuần và Kiev cùng Moskva không thể thương lượng được vấn đề này. Nên, nếu ngày 30-12, Ukraine không thanh toán khoản nợ trên, nhiều khả năng Nga sẽ kiện Kiev ra tòa Trọng tài Quốc tế thường trực (PCA). Nếu cuộc đối đầu pháp lý này xảy ra, cả Nga và Ukraine sẽ cùng chịu hậu quả nặng nề không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, thậm chí làm phức tạp thêm các mối quan hệ quốc tế khác. 

Ngoại trưởng Nga Lavrov.

Thực tế cho thấy, khoản tiền mà Ukraine nợ Nga đang ngày càng trở thành một vấn đề bị chính trị hóa. Đây cũng là xu thế chung trong thế giới ngày nay, khi chiến tranh không còn là sự lựa chọn dễ dàng và đối thoại chính trị bế tắc. Thay vào đó, kinh tế đã trở thành công cụ đầu tiên được các bên sử dụng một cách phổ biến và tối đa.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định rằng, Ukraine không cần Nga phải cản trở con đường phát triển đất nước sau cuộc biểu tình ở Maidan, mà tự họ đang hủy hoại lòng tin của người dân vào chính phủ. 

Nhà phân tích kỳ cựu Joerg Forbrig của Hiệp hội German Marshall Fund có trụ sở tại Berlin (Đức) cho biết: “Dựa trên những sự kiện mới đây, Ukraine đang tiến gần đến cái gọi là tự sát chính trị”, và rằng: “Ẩu đả trong nội bộ Kiev thực tế chẳng có lợi cho ai cả. Nếu Ukraine không tỏ rõ quyết tâm thay đổi, bạo động xảy ra, quan hệ với các nước phương Tây sẽ đi xuống”.

Trong thời gian gần đây, tình trạng “huynh đệ tương tàn” liên tục xảy ra trong nội bộ Ukraine, tạo ra một bầu không khí thất vọng bao trùm khắp đất nước. Hôm 11-12, nghị sĩ Oleh Barna thuộc đảng Liên minh Poroshenko của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã “gây gổ” với Thủ tướng tướng Arseny Yatsenyuk khi ông đang đọc diễn văn trước Quốc hội Ukraine. 

Chỉ sau đó 3 hôm, ngày 14-12, lại tiếp tục xảy ra vụ đối đầu giữa Thống đốc Odessa, cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili, nhân vật thân cận với Tổng thống Poroshenko, và Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov - một đồng minh của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk, trong một cuộc họp kín của chính phủ. 

Ông Avakov hất một cốc nước vào ông Saakashvili sau khi vị cựu Thống đốc Odessa cáo buộc Bộ trưởng Nội vụ Ukraine và các quan chức chính phủ khác có những hoạt động tham nhũng. Cả hai bên cũng đã có lời qua tiếng lại với nhau bằng những ngôn từ không đẹp. Cuộc ẩu đả này đã buộc Chính phủ Ukraine phải ra tuyên bố khẳng định sự đoàn kết trong nội bộ của mình và gạt bỏ những tin đồn về việc thay Thủ tướng. 

Trong một thông cáo chung, Tổng thống Poroshenko, Thủ tướng Yatsenyuk và Chủ tịch Quốc hội Ukraine Volodymyr Groysman khẳng định “những thành phần tài phiệt đen tối” đang thực hiện một “chiến dịch phản quốc” và nhấn mạnh Ukraine cần phải gắn bó hơn nữa mới có thể “chuyển mình thành công”.

Rạn nứt trong nội bộ đảng cầm quyền cũng khiến kế hoạch chi tiêu ngân sách của Ukraine chưa được công bố, khiến khoản viện trợ trị giá 5 tỉ USD vẫn chưa được bơm vào quốc gia này trong thời điểm nền kinh tế vẫn chưa thể khôi phục trở lại sau 18 tháng suy thoái. 

Chuyên gia phân tích Alex Brideau của Eurasia Group nhận định: “Có thể thấy rõ rằng những rạn nứt trong chính phủ Ukraine đang cản trở nước này có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Việc ông Yatsenyuk vẫn sẽ được giữ chức có thể sẽ khiến Quốc hội Ukraine còn căng thẳng vào đầu năm 2016”.

Lại vi phạm ngừng bắn ở Đông Ukraine

Ngày 27-12, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo, ít nhất 3 người, gồm 1 binh sỹ Ukraine và 2 dân thường, đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine tại làng Zaitseve, cách thành phố Donetsk 55km về phía Bắc. Đây là vụ vi phạm đầu tiên đối với thỏa thuận ngừng bắn vô điều kiện trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới mà hai bên tham chiến đạt được hôm 22-12. 

Theo đó, các bên cam kết thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 0h ngày 23-12 (giờ địa phương). Tuy nhiên, chỉ 4 ngày sau đó, thỏa thuận ngừng bắn trên đã bị phá vỡ.                                              

Kim Linh (theo AFP)

Khổng Hà
.
.
.