Ai chủ mưu vụ tấn công liên hoàn ở Indonesia?

Thứ Sáu, 15/01/2016, 08:16
Tính đến 17h25 ngày 14-1 (giờ Việt Nam), vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công liên hoàn bằng bom và súng xảy ra tại trung tâm thương mại Sarinah trên đường Thamarin ở thủ đô Jakarta, Indonesia vào sáng cùng ngày khiến ít nhất 7 người thiệt mạng và 17 người bị thương.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gọi đây là “hành động khủng bố” và lên án mọi hành động gây bất ổn an ninh và hòa bình, cũng như gây hoang mang cho người thân. Tổng thống Widodo kêu gọi người dân Indonesia không nên sợ hãi, đồng thời ra lệnh cho Cảnh sát trưởng quốc gia và Bộ trưởng An ninh truy bắt các thủ phạm cũng như mạng lưới đứng sau vụ tấn công.

IS hay khủng bố nội địa?

Theo cảnh sát Indonesia, một tổ chức ở nước này có quan hệ với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị tình nghi đã gây ra thảm kịch sáng 14-1. Người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Indonesia Anton Charliyan cho hay: “Nhiều khả năng đây là một nhóm liên quan đến IS ở Indonesia... Theo những gì chúng ta chứng kiến hôm nay, nhóm này đang tìm cách tái diễn các vụ tấn công như kiểu ở Paris (hôm 13-11-2015)”. 

Ông Charliyan cho biết thêm rằng, Indonesia từng nhận được lời đe dọa từ IS rằng nước này “sẽ trở thành tâm điểm của sự chú ý”. Trước đó, hồi cuối năm 2015, Australia cũng từng cảnh báo IS đang đẩy mạnh sự hiện diện ở Indonesia nhằm hiện thực hóa tham vọng thành lập một thể chế Hồi giáo tại nước này. 

Phát biểu tại một cuộc họp với các quan chức an ninh Australia và Indonesia ngày 21-12-2015, Bộ trưởng Tư pháp Australia George Brandis khẳng định: “IS có mưu đồ tăng cường sự hiện diện và mức độ hoạt động ở Indonesia, hoặc trực tiếp hoặc thông qua người đại diện”. 

Theo Bộ trưởng Brandis, IS có ý định tuyên bố thành lập Caliphate (Vương quốc Hồi giáo) ở những nơi khác ngoài Trung Đông. Chúng xác định Indonesia là địa điểm để thực hiện tham vọng này. Bên cạnh đó, theo số liệu do Chính phủ Indonesia cung cấp, trong những năm gần đây, ít nhất 700 người dân nước này đã tới Syria để chiến đấu “dưới trướng” của IS và nhiều người trong số này từng xuất hiện trong các đoạn video tuyên truyền của IS. 

Xe bọc thép được huy động tới hiện trường vụ tấn công liên hoàn.

Đáng chú ý, trong vụ bắt giữ 5 thành viên của một mạng lưới cực đoan có âm mưu tấn công Jakarta dịp năm mới 2016 vào tháng 12-2015, cảnh sát Indonesia đã thu giữ một lá cờ lấy cảm hứng từ IS. Cảnh sát Jakarta cho rằng, những kẻ này bị ảnh hưởng bởi tư tưởng khủng bố của IS. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Indonesia cho rằng, IS chưa chắc đã là thủ phạm của thảm kịch sáng 14-1.

Có lẽ người dân Indonesia chẳng còn lạ gì với cái tên Jemaah Islamiyah, nhóm phiến quân có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố tàn bạo nhất ở đất nước có nhiều người theo đạo Hồi nhất thế giới này. 

Chỉ tính từ năm 2000 tới 2010, Jemaah Islamiyah đã gây ra 11 vụ tấn công, trong đó kinh hoàng nhất là vụ đánh bom tại Bali hồi năm 2002, cướp đi sinh mạng của hơn 200 người và làm bị thương hàng trăm người khác, trong đó có rất nhiều khách du lịch. 

Ngoài ra, Jemaah Islamiyah cũng đã thành lập một Caliphate ở Đông Nam Á, với 3 chi nhánh ở Philippines, Malaysia và Thái Lan. 

Ngoài Jemaah Islamiy, từ lâu nay Indonesia còn phải đối mặt với nhiều nhóm khủng bố nội địa khác. Các nhóm này cũng từng gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố trên khắp đất nước. Đơn cử như vụ các chiến binh Hồi giáo ở khu vực Sulawesi chặt đầu ba thanh niên theo đạo Cơ đốc giáo hồi năm 2005. 

Trước bối cảnh đó, từ năm 2009, với sự hỗ trợ và huấn luyện của Mỹ và Australia, Chính phủ Indonesia đã tăng cường nỗ lực chống khủng bố, khiến hoạt động của các nhóm khủng bố nội địa giảm mạnh. 

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, sự trỗi dậy của IS cùng sự leo thang xung đột ở Syria và Iraq đang có nguy cơ đe dọa đến sự thành công của chiến dịch chống khủng bố của Indonesia.

Đã kiểm soát được tình hình

17h30 ngày 14-1 (giờ Việt Nam), cảnh sát Indonesia khẳng định vụ tấn công liên hoàn ở thủ đô Jakarta đã kết thúc. Người phát ngôn cảnh sát Jakarta Muhammad Iqb tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng không còn kẻ tấn công nào xung quanh Sarinah. Chúng tôi đã kiểm soát tình hình”. 

7 người thiệt mạng bao gồm 2 thường dân, 1 công dân Hà Lan và người bản xứ, và 5 kẻ tấn công, trong đó 2 kẻ đối tượng bị cảnh sát tiêu diệt, song nguyên nhân cái chết của 3 kẻ còn lại hiện chưa được tiết lộ. Bên cạnh đó, trong số 19 người bị thương có 5 nhân viên cảnh sát và hiện đang được điều trị tại bệnh viện. Cảnh sát Indonesia đã bắt giữ 4 đối tượng bị tình nghi có liên quan tới vụ tấn công trên và cho rằng, có khoảng từ 10 – 14 đối tượng đã tham gia vào vụ đấu súng với cảnh sát.

Chiều cùng ngày, Bộ Ngoại giao Australia đã ra tuyên bố lên án vụ tấn công khủng bố liên hoàn trên và cho rằng, vụ việc này vẫn còn đang tiếp diễn và còn quá sớm để đánh giá mức độ thiệt hại về người và vật chất. Theo tuyên bố, Australia đã khuyến cáo công dân của mình ở Indonesia tránh khu vực đông người ở trung tâm thủ đô Jakarta và tuân thủ mọi chỉ dẫn của giới chức địa phương. Bộ Ngoại giao Australia cũng đề nghị Đại sứ quán nước này ở Jakarta khẩn trương tìm hiểu để xem có công dân Australia bị ảnh hưởng trong vụ tấn công này hay không.

Không có người Việt thương vong trong vụ tấn công ở Jakarta

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, tính đến chiều 14-1, không có người Việt Nam nào thương vong trong các vụ nổ bom và đấu súng tại trung tâm thủ đô Jakarta diễn ra vào sáng cùng ngày. Đại sứ quán đang theo dõi sát sao mọi thông tin từ các cơ quan hữu quan. Đại sứ quán cũng đã lập đường dây nóng số 0811161025 về những thông tin liên quan đến người Việt và hỗ trợ cộng đồng người Việt nếu cần. (PV)

Khổng Hà
.
.
.