WHO tuyên bố dịch viêm phổi đang ở tình trạng khẩn cấp toàn cầu
- Hải Phòng phát hiện 2 mẹ con nghi nhiễm viêm phổi cấp
- Bộ Công an chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp vi rút Corona gây ra
- Lên phương án đặc biệt để ứng phó với bệnh dịch viêm phổi cấp
- Bộ Công an chỉ đạo phòng, chống dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra
Rạng sáng 31-1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với dịch viêm phổi do virus Corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra.
Trong tuyên bố được đưa ra tại một cuộc họp báo ở Geneva trong bối cảnh dịch viêm phổi đã lây lan tới ít nhất 20 quốc gia trên thế giới với hơn 7.800 ca nhiễm bệnh.
Rạng sáng 31-1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch viêm phổi do virus Corona. (Ảnh: Reuters) |
Ông Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi phản ứng của Trung Quốc, nhưng cho biết WHO lo ngại về việc virus lây lan sang các quốc gia không có nguồn lực để đối phó với nó.
"Lý do chính cho tuyên bố này không phải vì những gì đang xảy ra ở Trung Quốc mà là vì những gì đang xảy ra ở các quốc gia khác. Mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là nguy cơ virus lây lan sang các nước có hệ thống y tế kém phát triển", Tổng giám đốc WHO cho hay.
Động thái này của WHO sẽ khuyến cáo cho tất cả các quốc gia có các biện pháp phòng ngừa và giảm lây lan dịch bệnh, đồng thời chia sẻ thông tin chặt chẽ hơn tới tất cả các quốc gia nhưng có thể khiến Trung Quốc "thất vọng" vì nước này đã từng tuyên bố có thể đánh bại virus corona, Reuters nhận định.
Trong lịch sử, WHO đã từng 5 lần ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Lần đầu tiên là với dịch cúm lợn (H1N1) hồi tháng 4-2009, lần thứ hai do bệnh bại liệt hồi tháng 5-2014, lần thứ 3 và thứ 5 do virus Ebola ở Tây Phi hồi năm 2014 và 2019, lần thứ tư là năm 2016 với dịch bệnh do virus Zika ở châu Mỹ.