WHO kêu gọi các nước tham khảo cách phòng, chống COVID-19

Chủ Nhật, 08/03/2020, 07:02
Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng về mặt địa lý và vô cùng đáng quan ngại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu; đẩy mạnh sự hợp tác giữa các quốc gia; hạn chế những tranh cãi, tranh chấp.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra hôm 6-3 (giờ địa phương) tại Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề cập tới số liệu mới nhất về các ca nhiễm COVID-19 trên thế giới: “Chúng ta đang gần đạt tới 100.000 ca xác nhận nhiễm (COVID-19). Dịch bệnh đang lan rộng về mặt địa lý và vô cùng đáng quan ngại. Chúng tôi tiếp tục khuyến cáo tất cả các nước đặt việc ngăn chặn dịch làm ưu tiên lớn nhất”.

Ông bày tỏ lo ngại về tình trạng còn nhiều quốc gia chưa cho thấy “mức độ cam kết chính trị” cần thiết đối với mối đe dọa từ dịch COVID-19. “Đây không phải là một cuộc diễn tập”, ông nói, đồng thời cho biết: “Dịch Covid-19 là mối đe dọa cho mọi quốc gia, bất kể giàu hay nghèo. Ngay cả những nước phát triển có thể sẽ có diễn biến phức tạp về dịch bệnh trong thời gian tới”.

Hình ảnh do Cơ quan dược phẩm và thực phẩm Mỹ cung cấp về virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tổng Giám đốc WHO cũng cho rằng, nhiều quốc gia dường như vẫn coi nhẹ mối đe dọa từ dịch COVID-19, khi tại nhiều nước, việc ứng phó dịch bệnh vẫn giao cho các cơ quan y tế xử lý. Ông cảnh báo: “Cách ứng phó đó là sai, cuộc khủng hoảng dịch bệnh này đang ảnh hưởng đến mọi thành phần trong xã hội. Chúng tôi kêu gọi sự phối hợp và tham gia của toàn bộ chính phủ”.

Cũng tại cuộc họp báo, khi được hỏi về khả năng virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể không lây lan dễ dàng trong điều kiện thời tiết ấm những tháng mùa Hè tại châu Âu, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan nhận định: “Chúng tôi vẫn chưa biết rõ hoạt động hay hành vi của loại virus này ở những điều kiện thời tiết khác nhau. Chúng tôi đành phải giả định rằng virus sẽ tiếp tục có khả năng lây lan”.

Ông Ryan cho rằng, sẽ là sai lầm khi hy vọng rằng virus sẽ biến mất vào mùa Hè như virus gây bệnh cúm khi tới nay, chưa hề có bằng chứng cho rằng điều này sẽ xảy ra. Khi được hỏi về sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Iran, ông Mike Ryan cho biết, cũng giống như Trung Quốc và Hàn Quốc, Iran nhanh chóng phát hiện nhiều trường hợp nhiễm virus là do bắt đầu tích cực rà soát dịch bệnh.

Được biết, WHO sẽ phát động một chiến dịch truyền thông xã hội mới kêu gọi đảm bảo mọi người dân đều được an toàn, được hưởng các biện pháp phòng ngừa linh hoạt và được thông tin đầy đủ khi đối mặt với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Chúng tôi biết mọi người đang sợ, và điều đó là bình thường và phù hợp... Nỗi sợ đó có thể được kiểm soát và giảm nhẹ khi tất cả đều được thông tin chính xác”. Đây là lý do WHO phát động một chiến dịch truyền thông xã hội có tên “Hãy sẵn sàng đối phó với COVID-19”.

Theo đó, nếu ai đó cảm thấy quá sợ hãi, hãy liên hệ với những người xung quanh, và tìm hiểu kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong cộng đồng của mình. Ông Ghebreyesus cho rằng như vậy việc virus SARS-CoV-2 gây chết người như thế nào không còn phụ thuộc vào chính nó mà là cách mọi người phản ứng với virus.

Tổng Giám đốc WHO cũng nhắc lại tầm quan trọng của sự đoàn kết trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, đồng thời kêu gọi tất cả mọi người bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng của mình. Ông nhấn mạnh mọi người đều có trách nhiệm giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm bệnh, và trong trường hợp bị mắc bệnh cần giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Trong khi đó, bà Maria van Kerkhove, quan chức Chương trình Các sự kiện khẩn cấp về y tế của WHO, kêu gọi các nước áp dụng tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cơ bản nhưng có hiệu quả mà các nước Trung Quốc, Singapore và Việt Nam đã triển khai để đối phó với COVID-19. Các biện pháp đó bao gồm xác định các trường hợp nhiễm bệnh và liên hệ với họ để tiến hành các biện pháp cách ly, cũng như tuyên truyền và huy động người dân tham gia phòng-chống dịch bệnh. Theo bà Kerkhove, mọi quốc gia đều có thể thực hiện được các biện pháp này.

Cùng ngày, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết tiến hành các biện pháp tài khóa và tiền tệ nếu cần nhằm đối phó với dịch COVID-19 và bảo vệ tăng trưởng kinh tế trước các cú sốc.

Trong tuyên bố chung do nước Chủ tịch G20 là Saudi Arabia công bố, các bộ trưởng cho biết đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình và tác động của dịch COVID-19 đối với thị trường tài chính và các điều kiện kinh tế. Hoan nghênh các biện pháp và các kế hoạch mà các nước đã đưa ra nhằm hỗ trợ hoạt động kinh tế, tuyên bố nhấn mạnh G20 sẵn sàng triển khai thêm các hành động, trong đó có các biện pháp tài khóa và tiền tệ, nếu cần để ngăn chặn dịch bệnh, hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và duy trì sức chống đỡ của hệ thống tài chính.

Các bộ trưởng cũng cho biết G20 sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với tác động của dịch bệnh. Các bộ trưởng cho rằng cần phối hợp hành động nhằm giảm thiểu rủi ro đối với kinh tế toàn cầu trước các cú sốc bất ngờ. Họ cho biết sẽ chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ủy ban Ổn định tài chính (FSB) và WHO nhằm tìm kiếm các lựa chọn chính sách đối phó.

WHO kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản tránh leo thang căng thẳng

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng và có diễn biến phức tạp, Hàn Quốc ngày 6-3 tuyên bố sẽ đình chỉ miễn thị thực cho công dân Nhật Bản và áp đặt lệnh bắt buộc cách ly 2 tuần đối với khách du lịch đến từ Nhật Bản kể từ tuần tới. Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo nước này sẽ hủy khoảng 2,8 triệu thị thực đã được cấp cho các công dân Trung Quốc và 17.000 thị thực được cấp cho các công dân Hàn Quốc từ ngày 9-3 tới.

Trước các biện pháp hạn chế đi lại lẫn nhau của Hàn Quốc và Nhật Bản, WHO cho rằng, hai nước nên tập trung vào các nỗ lực phòng chống dịch thay vì một cuộc tranh cãi về chính trị.

Ông Mike Ryan nói: “Tôi nghĩ rằng Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang làm tốt khi đối mặt với dịch bệnh. Cả hai nước đều đã  tăng cường hoạt động y tế công của họ. Họ đang cứu nhiều mạng sống và tôi nghĩ, chúng ta nên tập trung vào điều đó, không nhất thiết phải đưa vào yếu tố chính trị bằng việc hạn chế đi lại. Mọi người đều hiểu rằng, những hạn chế này không giúp ích gì”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “COVID-19 là kẻ thù chung. Cách duy nhất để chúng ta đánh bại virus là khi sát cánh cùng nhau. Chúng tôi kêu gọi tất cả quốc gia đoàn kết, bởi một lực lượng thống nhất có thể giúp chúng ta chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất”.

Minh Hải

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.