Điều tra vụ tắc nghẽn kênh đào Suez

Thứ Ba, 30/03/2021, 20:07
Các chuyên gia ngày 30/3 đã lên con tàu container Ever Given, 6 ngày sau khi tàu này mắc kẹt ở kênh đào Suez, để điều tra nguyên nhân của vụ việc gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành vận tải biển toàn cầu.
Tàu Ever Given bị mắc kẹt, gây thiệt hại lớn cho thương mại toàn cầu. Ảnh Reuters. 

Tàu Ever Given đã được thả neo an toàn ngày 30/3 tại Hồ Great Bitter, một vùng nước rộng tọa lạc giữa hai đầu phía bắc và nam của con kênh, sau khi các đội cứu hộ giải cứu con tàu khổng lồ vào chiều 29/3. Việc con tàu được giải cứu đã ngăn chặn thất thoát lên đến hàng tỷ USD mỗi ngày cho thương mại hàng hải.

Hãng tin AP trích dẫn lời một quan chức hàng hải cấp cao giấu tên cho biết rằng các chuyên gia đang tìm kiếm các dấu hiệu hư hỏng và cố gắng xác định nguyên nhân khiến tàu mắc kẹt.

Các kỹ sư cũng đang kiểm tra động cơ của con tàu, mang cờ của Panama và thuộc sở hữu của Nhật Bản, đang vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu, để xác định chính xác thời điểm tàu có thể đi đến đích là Hà Lan.

Tính đến sáng 30/3 (giờ địa phương), hơn 300 tàu thuyền đã chờ đợi ở cả hai đầu kênh đào Suez và ở Hồ Great Bitter để được phép tiếp tục chuyến hành trình.

Hơn 100 tàu đã đi qua kênh đào Suez theo cả hai hướng kể từ khi tàu Ever Given được giải cứu, theo kênh truyền hình nhà nước Ai Cập.

Dù vậy, cũng phải mất ít nhất 4 ngày nữa giao thông trên kênh đào quan trọng bậc nhất thế giới này mới có thể trở lại bình thường, theo Osama Rabei, người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez.

Trước đó, tàu Ever Given đã mắc cạn tại khu vực cách lối vào kênh Suez chỉ khoảng 6km, gần thành phố Suez, gây ra một vụ tắc nghẽn hàng hải hiếm có và hậu quả là thiệt hại lên đến hàng tỷ USD mỗi ngày đối với thương mại toàn cầu và tổn hại cho chuỗi cung ứng vốn dĩ đã căng thẳng vì đại dịch COVID-19.

Hàng trăm tàu, chở nhiều loại hàng hóa từ dầu thô đến gia súc, cũng buộc phải tạm dừng để chờ đi qua kênh. Hàng chục tàu khác đã lựa chọn con đường dài hơn là qua Mũi Hảo Vọng ở cực nam của Châu Phi - một con đường vòng dài 5.000 km khiến tàu tiêu tốn hàng trăm nghìn USD tiền nhiên liệu và các chi phí khác.

Kênh đào Suez là một tuyến vận tải quan trọng, hơn 10% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào này mỗi năm, bao gồm 7% lượng dầu của thế giới. Hơn 19.000 tàu chở hàng tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất cùng hàng triệu thùng dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng chảy qua huyết mạch từ Trung Đông và châu Á đến châu Âu và Bắc Mỹ qua tuyến này.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.