Vô tình lây Covid-19 cho họ hàng vì không xuất hiện triệu chứng
"Các nhà khoa học từng đặt câu hỏi liệu bệnh nhân có thể bị lây nhiễm (Covid-19) mà không có biểu hiện ốm không? Câu trả lời, giờ đây rất rõ ràng, có", chuyên gia truyền nhiễm William Schaffner nói, trích dẫn trường hợp trớ trêu vừa được nghiên cứu tại Trung Quốc.
Trường hợp nêu trên được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ và được Reuters đăng tải hôm 22/2, như một bằng chứng về khả năng lây nhiễm tới đáng sợ của virus Corona chủng mới (Covid-19) và lý giải sự khó khăn trong việc ngăn chặn chủng virus này.
Nhân viên y tế bên thi thể một nạn nhân tử vong vì Covid-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AP |
Theo báo cáo do Tiến sĩ Meiyun Wang cùng các đồng nghiệp từ Bệnh viện Nhân dân Đại học Trịnh Châu công bố, cô gái nêu trên đã đi từ "tâm chấn" Vũ Hán đến huyện An Dương, Hà Nam hôm 10/1 để thăm thân.
Sau khi phát hiện họ hàng của cô đổ bệnh, bác sĩ đã tiến hành cách ly cô gái này và xét nghiệm Covid-19. Kết quả ban đầu cho thấy cô âm tính với virus này, nhưng kết quả xét nghiệm lần 2 khi điều trị lại là dương tính.
Tất cả 5 người họ hàng của cô đều bị viêm phổi do lây nhiễm Covid-19. Nhưng cho đến ngày 11/2, người phụ nữ trẻ này vẫn không xuất hiện bất cứ triệu chứng lây nhiễm nào.
Sau một tháng kể từ khi lây nhiễm cho họ hàng, cô vẫn duy trì trạng thái sức khỏe bình thường, không bị sốt, không đau dạ dày hay có các triệu chứng về hô hấp như ho hay đau họng.
Từ trường hợp này, các nhà khoa học bày tỏ lo ngại rằng những nguy cơ lây nhiễm tương tự có thể xảy ra, dẫn đến việc khó ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Hiện, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng 75.567 ca lây nhiễm Covid-19, với 2.239 ca tử vong. Covid-19 cũng đang lan rộng đến 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản đang được coi là "điểm nóng" tiếp theo của đại dịch này.
Câu hỏi đặt ra hiện nay với các nhà khoa học, là làm thế nào để kiểm soát mức độ xảy ra của những ca lây nhiễm trong giai đoạn người bệnh không hề xuất hiện triệu chứng dù dương tính với Covid-19.