Việt Nam đối thoại với các nước, đối tác về tình hình tội phạm ma tuý xuyên quốc gia

Thứ Ba, 10/09/2019, 10:59
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý, Bộ Công an đã thảo luận thẳng thắn, cụ thể với các nước/ đối tác về diễn biến, phương thức hoạt động của tội phạm ma tuý, từ đó đề xuất nhiều cơ chế hợp tác nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phối hợp trong tương lai.

Trước thềm Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, sáng nay (10-9) tại Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý, Bộ Công an đồng thời chủ trì nhóm họp theo tuyến với các nước/ đối tác gồm:  Việt Nam – Thái Lan – Lào – Myanmar; Việt Nam – Philippines – Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ (DEA) – Cảnh sát Liên bang Australia (AFP)  – Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC); Việt Nam – Trung Quốc – Lào; Việt Nam – Thái Lan – Campuchia.

Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý, Bộ Công an phát biểu tại phiên họp.

Tại phiên họp nhóm Việt Nam- Lào-Myanmar-Thái Lan do Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý điều hành, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề kiểm soát ma tuý liên quan đến cac nước trên tuyến biên giới 4 nước; đánh giá về tình hình hoạt động thương mại, vận chuyển trên hành lang kinh tế Đông-Tây và nguy cơ tội phạm lợi dụng tuyến này để vận chuyển ma tuý.

Các nước nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời cũng thống nhất khuyến nghị hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội  phạm ma tuý và thống nhất về nội dung Tuyên bố chung sẽ trình Hội nghị Bộ trưởng thông qua.

Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý nêu rõ, từ đầu năm 2019, Việt Nam đã triệt phá hơn 13.000 vụ án, bắt giữ hơn 20.000 đối tượng liên quan đến ma tuý; thu giữ hơn 5 tấn và 500.000 viên ma tuý tổng hợp, 750kg heroin cùng nhiều loại ma tuý khác.

Các đại biểu tại phiên họp nhóm giứa Việt Nam-Thái Lan- Campuchia.

Thực tế đấu tranh cho thấy các đối tượng cầm đầu là người ngoài, câu kết với đối tượng trong nước để hình thành đường dây vận chuyển ma tuý quy mô lớn. Các tổ chức tội phạm lợi dụng chính sách thông thoáng, tạo điều kiện của Việt Nam để buôn bán, vận chuyển ma tuý. Trước tình hình trên, Việt Nam đề nghị các nước chung tay phối hợp để đấu tranh hiệu quả hơn với loại tội phạm này.

Tại nhóm họp giữa Việt Nam – Trung Quốc – Lào do Thiếu tướng Trần Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý điều hành, các đại biểu đã nêu bật tình hình vận chuyển ma túy trên các tuyến biên giới giữa ba nước, với diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Theo đó, thủ đoạn ngụy trang, đóng gói và phương thức vận chuyển các loại ma túy của các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp, nhằm qua mắt các lực lượng chức năng. Các đối tượng cũng lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, biệt lập để vận chuyển ma túy số lượng lớn xuyên biên giới vào Việt Nam và thông qua Việt Nam đến các nước khác.

Đoàn Lào tại phiên làm việc.

Trong thời gian qua, cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành mở 4 đợt cao điểm tấn công trấn áp trên tuyến biên giới giữa hai nước, triệt phá thành công nhiều vụ án. Cơ quan chức năng Việt Nam và Lào cũng đã mở nhiều cuộc hội nghị giao ban nhằm nâng cao năng lực phòng, chống ma túy cho các lực lượng thực thi pháp luật. 

Năm 2019, cơ quan phòng chống ma túy hai nước đã tiến hành mở cao điểm tuyên truyền tấn công trấn áp tội phạm ma túy trong phạm vi 3 tháng trên toàn khu vực biên giới, bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi phạm tội táo tợn, liều lĩnh.

Tại phiên họp, đại biểu 3 nước cũng đã cung cấp và trao đổi thông tin về các đối tượng tội phạm ma túy nguy hiểm bị truy nã cũng như các chuyên án triệt phá ma túy lớn đang triển khai, coi đây là một nguồn xác minh thông tin quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình phối hợp giữa lực lượng chức năng các nước nhằm xử lý các vụ án ma túy và truy bắt các đối tượng phạm tội

Các nước cũng đề xuất cơ chế nhằm nâng cao chất lượng của các văn phòng PLO, thiết lập các đường dây nóng để phối hợp kiểm soát truy bắt các đối tượng phạm tội về ma túy, và xác lập các chuyên án chung để triệt phá tội phạm.

Tại phiên họp nhóm theo tuyến giữa Việt Nam, Cơ quan hành pháp phòng chống ma túy Philippines, DEA, AFP và UNODC do Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy điều hành, các đại biểu đồng tình rằng, số lượng ma túy được vận chuyển xuyên biên giới ngày càng tăng lên và tăng đột biến trong năm 2018.

Đoàn đại biểu của DEA tại phiên họp nhóm.

Đặc biệt, đường biển đang nổi lên như môt phương thức vận chuyển mới được các đường dây buôn bán ma túy thường dử dụng do dễ cất giấu và khó kiểm soát. Hành vi của các nhóm tội phạm cũng thay đổi, khi phạm vi và "tụ điểm" sản xuất ma túy có xu hướng dịch chuyển liên tục từ Trung Quốc sang phía Đông Myanmar và Tam Giác Vàng.

Đáng chú ý, các đại biểu cũng nêu bật vấn nạn "nguồn tiền bẩn" thu được từ buôn bán ma túy, đồng thời chia sẻ thông tin về cách thức rửa tiền phổ biến của tội phạm ma tuý. Từ đó, các đại biểu nhất trí rằng, hợp tác quốc tế là rất quan trọng trong cuộc chiến chống ma túy xuyên quốc gia.

Song song với việc triển khai đối thoại chiến lược cấp cao, các đại biểu nhận định, các quốc gia trong khu vực cần tăng cường thu thập dữ liệu, chia sẻ thông tin tình báo, thông tin tại khu vực biên giới và về hiện trạng vận chuyển tiền chất, và xây dựng khối dữ liệu chung trong khu vực.  Cụ thể hơn, các quốc gia nên lập các chuyên án chung và tiến hành điều tra chung bao gồm cả cứ cán bộ sang các nước sở tại để phối hợp phá án, tố tụng điều tra mở rộng, bóc gỡ toàn bộ các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia.

Tại nhóm họp giữa Việt Nam – Thái Lan – Campuchia do Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý điều hành, các đại biểu đã thảo luận về tình hình ma tuý trên tuyến biên giới giữa ba nước, thông tin cho các bên về hoạt động của các đối tượng tội phạm về ma tuý liên quan các nước trong nhóm.

Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian thống nhất các ưu tiên phối hợp trên tuyến, gồm: Thiết lập đường dây nóng phục vụ trao đổi thông tin; lập chuyên án, phối hợp xác minh và truy bắt các đối tượng truy nã; xem xét các vụ án có liên quan đến ba nước và tiếp tục thảo luận các phương hướng hợp tác trong tương lai nhằm ngăn chặn, đấu tranh, triệt xoá có hiệu quả các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia.


Nhóm PV
.
.
.