Vaccine hiện tại có hiệu quả với biến chủng từ Ấn Độ?

Chủ Nhật, 23/05/2021, 14:38
Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca được cho là có hiệu quả chống lại biến thể virus từ Ấn Độ sau khi được tiêm đầy đủ, theo một nghiên cứu của Public Health England (PHE)- cơ quan điều hành của Bộ Y tế Anh.
Ảnh minh họa Reuters. 

Nghiên cứu được công bố ngày 22/5 cho thấy “vaccine của Pfizer/BioNTech có hiệu quả lên đến 88% chống lại các triệu chứng từ biến thể B.1.617.2 (biến chủng từ Ấn Độ) vào 2 tuần sau liều thứ hai”, trong khi hiệu quả của 2 liều liệu trình vaccine AstraZeneca chống lại chủng này là 60%.

Mũi đầu tiên của cả 2 loại vaccine đều được chứng minh có hiệu quả 33% trong 3 tuần sau khi tiêm.

PHE cũng lưu ý rằng các nếu được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca sẽ có hiệu quả lần lượt là 93% và 66% trong phòng chống biến thể virus B.1.1.7 (hay biến thể từ Anh). Nếu tiêm một mũi, cả 2 loại vaccine đều có hiệu quả chống lại biến thể này lên đến 50%.

Nghiên cứu của PHE được thực hiện từ ngày 5/4 đến 16/5 trên 1.054 người bị nhiễm biến thể Ấn Độ.

Đến nay, 37.726.924 công dân Anh đã được tiêm vaccine ít nhất một lần, mũi thứ hai đã được tiêm cho tổng cộng 22.071.497 người. Nước này đã xác nhận hơn 4,4 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 và 128.000 ca tử vong có liên quan.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thúc đẩy việc tăng cường tiêm mũi thứ hai cho những người trên 50 tuổi và những người có bệnh lý nền. Anh là quốc gia châu Âu có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất cho đến thời điểm này. Tuy vậy, nước này vẫn đối mặt với thách thức lớn đến từ sự lây lan nhanh chóng của chủng virus được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.

Lo ngại về số ca nhiễm tăng cao ở Anh có liên quan đến biến chủng virus từ Ấn Độ, Đức đã ban hành lệnh cách ly bắt buộc 2 tuần đối với những người đến từ Anh. Ngày 21/5, người đứng đầu cơ quan y tế công cộng của Đức cho biết những loại vaccine hiện hành có thể ít hiệu quả hơn với biến chủng B.1.617.2. 

Duy Tiến
.
.
.