Trung Quốc nói gì sau lời đe doạ cắt đứt quan hệ của Tổng thống Trump?
- Trung Quốc vướng nghi án đánh cắp thành tựu nghiên cứu COVID-19 của Mỹ
- COVID-19 nguy cơ tạo nên "chiến tranh lạnh mới" giữa Mỹ và Trung Quốc
- Tổng thống Trump doạ cắt đứt quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung vì COVID-19
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: Chinanews.com |
"Sự phát triển ổn định của quan hệ Trung-Mỹ phục vụ lợi ích cơ bản của cả hai nước. Hai bên cần tăng cường hợp tác, giành chiến thắng trước đại dịch COVID-19, rồi sau đó nối lại hoạt động sản xuất", Financial Times dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo chiều 15/5.
Ông Triệu cũng hối thúc Mỹ từ bỏ "thái độ Chiến tranh Lạnh" với Trung Quốc. Đây được xem là bình luận chính thức đầu tiên của Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo cắt đứt quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
"Tôi đã có quan hệ rất tốt đẹp cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng ngay bây giờ tôi không muốn nói chuyện với ông ấy", Tổng thống Mỹ nói. "Tôi rất thất vọng về Trung Quốc. Họ không nên để dịch bệnh xảy ra. Tôi đã có một thỏa thuận thương mại tuyệt vời nhưng giờ không thấy như vậy nữa".
Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng những tuần gần đây, sau khi Mỹ nhiều lần lên án cách Trung Quốc ứng phó dịch bệnh cũng như đặt ra nghi vấn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Hồi đầu tháng 5, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố có "lượng bằng chứng đáng kể" cho thấy virus xuất phát từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi dịch khởi phát, nhưng không công bố chi tiết.
Ngày 12/5, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đề xuất một dự luật trao quyền cho Tổng thống Trump trừng phạt Trung Quốc nếu nước này không minh bạch về quá trình bùng phát của dịch.
Đáp lại các bước đi của Mỹ, Trung Quốc khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy virus được nước này tạo ra, đồng thời nhấn mạnh họ đã ứng phó kịp thời với dịch bệnh.
Gần 5 tháng từ khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 4,5 triệu người nhiễm, 300.000 người tử vong. Mỹ hiện là "ổ dịch" lớn nhất toàn cầu khi ghi nhận hơn 1,4 triệu người bệnh, 87.000 ca thiệt mạng.