Trung Quốc ghé chân vào "sân sau" của Mỹ

Thứ Tư, 28/11/2018, 09:09
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ thăm cấp Nhà nước Panama ngày 2 và 3-12, tức một ngày sau khi ông gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G20 ở thủ đô Buenos Aires (Argentina).


Trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vấp phải những căng thẳng thương mại, chuyến thăm này được các nhà quan sát đánh giá là thể hiện rõ nỗ lực của Bắc Kinh trong vấn đề củng cố quan hệ với các quốc gia Mỹ Latinh vốn được coi là "sân sau" của Mỹ.

Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử, một Chủ tịch nước Trung Quốc tới thăm cấp Nhà nước Panama. Theo Văn phòng Tổng thống Panama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Panama Varela sẽ cùng chứng kiến lễ ký kết 20 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại, công nghệ và cơ sở hạ tầng. 

"Chuyến thăm sẽ thể hiện rõ nét chính sách kiên trì độc lập tự chủ và chính sách ngoại giao hòa bình, cũng như những nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo xung lực mới trong phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước", Chinanews dẫn lời của ông Ngụy Cường, 
Trung Quốc là nước sử dụng kênh đào Panama lớn thứ hai sau Mỹ. Ảnh: Reuters

Đại sứ Trung Quốc tại Panama cho biết. Trong tuyên bố được đưa ra ngày 23-11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh với các quốc gia Mỹ Latinh, đồng thời đánh giá hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh là “không thay đổi” ngay cả trong thời điểm một số nước trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức gia tăng trong một môi trường toàn cầu không ổn định.

Trước chuyến công du này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra từ ngày 12 tới 13-11 ở Papua New Guinea, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng cảnh báo rằng, các quốc gia nhỏ hơn không nên bị “quyến rũ” bởi “Vành đai và Con đường” vì họ dễ "sập bẫy nợ", phải cho Bắc Kinh những lợi ích chiến lược vì không thể trả được khoản vay từ Trung Quốc. 

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11-2017, Tổng thống Panama Varela đã nêu rõ sự ủng hộ đối với chương trình cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh. 

Nằm tại Trung Mỹ và tiếp giáp với hai quốc gia Costa Rica, Colombia nên Panama được Mỹ ghi nhận có vai trò quan trọng tại Tây bán cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế với kênh đào Panama dài 82km, liên kết Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. 

Vì vậy, có thể nói động thái trên của Tổng thống Panama Varela là một “tin vui” với Trung Quốc bởi trên thực tế, nước này là nhà sử dụng kênh đào Panama lớn thứ hai sau Mỹ. 

Với những tiền đề sẵn có, chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ góp phần tạo ra những “cơ hội mới” trong phát triển kinh tế, thương mại cũng như các lĩnh vực hợp tác khác mà hai nước hướng đến.

Cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo cho rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Panama diễn ra ngay sau hàng loạt chỉ trích của Phó Tổng thống Mỹ Pence là nhằm đánh tiếng Bắc Kinh “cũng có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ”. 

“Việc Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Panama là cách để đánh tiếng rằng Trung Quốc cũng có thể tranh giành ảnh hưởng ở một khu vực sân sau truyền thống và chịu ảnh hưởng từ Mỹ”, ông Guajardo nhận xét. 

Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Bắc Kinh, ông Đổng Kinh Thắng phân tích, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy chương trình  “Vành đai và Con đường” trong chương trình nghị sự. Trung Quốc đang nỗ lực trong việc tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latinh, nhưng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh dù có những dấu hiệu khả quan nhưng vẫn khó có thể so với Mỹ, đặc biệt là khi đầu tư của Trung Quốc không ổn định và thiếu sự đa dạng. 

Về phía Francisco Luis Perez, một chuyên gia nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Tamkang ở Đài Loan, cho rằng, Bắc Kinh có thể đang tìm cách chống lại sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương bằng cách tăng cường ảnh hưởng của nước này ở châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, việc “xích lại” quan hệ với Bắc Kinh có thể gây rủi ro cho mối quan hệ giữa Panama và Washington. 

Ông Perez nhận định, việc Panama chấp nhận rủi ro và thiết lập các thỏa thuận chiến lược hoặc chính trị với Trung Quốc trong chuyến thăm tới đây là điều khó có thể xảy ra mà thay vào đó họ sẽ chủ trương tập trung vào lĩnh vực kinh tế với Trung Quốc thay vì quân sự và chiến lược.

Cao Trung (T.H.)
.
.
.