Trung Quốc "bắt tay" Iran trong thỏa thuận chiến lược lịch sử
Ngoại trưởng Trung Quốc - Iran ký thỏa thuận. Ảnh Twitter / @JZarif |
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ký thỏa thuận Đối tác Chiến lược Toàn diện Iran-Trung Quốc sau hơn 5 năm đàm phán căng thẳng.
Thỏa thuận toàn diện, được ký kết tại Tehran ngày 27/3, bao gồm 20 điều khoản, và mặc dù chi tiết của thỏa thuận vẫn chưa được cung cấp, truyền thông địa phương chỉ ra rằng thỏa thuận này khả năng bao gồm nhiều lĩnh vực, từ quan hệ chính trị và văn hóa đến an ninh quốc phòng và hợp tác khu vực và quốc tế.
Thỏa thuận dự kiến tăng gấp 10 lần thương mại song phương lên 600 tỷ USD mỗi năm và cũng như lời hứa hẹn của Trung Quốc sẽ rót lên tới 400 tỷ USD vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành khai thác dầu, khí đốt, hóa dầu, năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân của quốc gia Trung Đông này. Tehran đồng thời cam kết trở thành nguồn cung năng lượng đáng tin cậy của Bắc Kinh.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ca ngợi việc ký kết thỏa thuận, bày tỏ lòng biết ơn đối với Bắc Kinh vì đã ủng hộ Tehran trên trường quốc tế khi đối mặt với các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ.
Ông Rouhani cũng ngụ ý rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Tây Á là nguyên nhân sâu xa của bất ổn khu vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực tập thể của các bên nhằm đảm bảo an ninh khu vực - bao gồm cả việc thông qua cơ chế Sáng kiến Hòa bình Hormuz do Iran đề xuất.
Ngoại trưởng Iran Zarif gọi thỏa thuận này là “lộ trình chiến lược 25 năm lịch sử” và cho biết ông và người đồng cấp Trung Quốc đã có “cuộc trao đổi tuyệt vời về việc mở rộng hợp tác toàn cầu, khu vực và song phương trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước.
Ông Vương Nghị cũng đáp lại tình cảm của các quan chức Iran, nhấn mạnh rằng “quan hệ giữa hai nước hiện đã đạt đến cấp độ đối tác chiến lược” và “Trung Quốc mong muốn cải thiện toàn diện quan hệ với Iran”.
Ngoại trưởng Vương Nghị nói thêm rằng quan hệ của Trung Quốc với Iran “sẽ không bị ảnh hưởng bởi tình hình hiện tại, nhưng sẽ lâu dài và chiến lược”, lưu ý rằng “không giống như một số quốc gia, Iran không thay đổi quan điểm của mình chỉ vì một cuộc điện đàm”.