Triều Tiên sẽ ngừng phi hạt nhân nếu Mỹ không đảm bảo an ninh
- Triều Tiên nỗ lực phi hạt nhân hóa
- Triều Tiên sẽ hoàn thành phi hạt nhân hóa vào năm 2021 (?)
- Phi hạt nhân là vấn đề mấu chốt tại thượng đỉnh liên Triều lần 3
Ông cũng nhấn mạnh: “Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nên thực hiện song hành với việc xây dựng nền hòa bình, trong đó ưu tiên việc xây dựng lòng tin”.
Ngoại trưởng Ri Yong-ho nhấn mạnh rằng, bán đảo Triều Tiên hiện đang “chuyển mình” để trở thành cái nôi của nền hòa bình và sự thịnh vượng không chỉ của riêng châu Á mà của toàn thế giới, với Tuyên bố chung đạt được giữa Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, để Tuyên bố chung này trở thành hiện thực, cả Bình Nhưỡng và Washington cần phải cố gắng nhiều hơn để vượt qua rào cản của sự ngờ vực kéo dài nhiều thập kỷ qua, từ đó xây dựng lòng tin trên tất cả các phương diện.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 6-2018 ở Singapore. |
Về phía CHDCND Triều Tiên, nước này đã đưa ra “các bước đi thiện chí đáng kể”, như việc dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, tháo dỡ các địa điểm thử nghiệm hạt nhân, cũng như cam kết sẽ không phổ biến vũ khí hạt nhân và công nghệ hạt nhân.
Ngoại trưởng Ri Yong-ho lấy làm tiếc khi không thấy bất kỳ hành động tích cực nào từ phía Mỹ. Washington vẫn luôn muốn Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa trước, gia tăng áp lực qua các lệnh trừng phạt mới, thậm chí phản đối việc tuyên bố chiến tranh kết thúc.
Theo đó, sự hoài nghi vào Mỹ với những lời hứa đảm bảo an ninh cho CHDCND Triều Tiên sẽ ngày càng tăng lên.
Quan chức ngoại giao hàng đầu của CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh: “Cam kết của Chính phủ Triều Tiên về việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố chung Mỹ - Triều là kiên định và rõ ràng. Việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nên được thực hiện song hành với việc xây dựng nền hòa bình mà hai bên có thể làm, trong đó ưu tiên việc xây dựng lòng tin”, và rằng: “Vấn đề là những lệnh trừng phạt tiếp tục được đưa ra đang làm sâu sắc thêm sự ngờ vực của chúng tôi vào Mỹ. Mỹ đã sử dụng trừng phạt để bức tử việc xây dựng lòng tin của các bên”.
Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên thậm chí còn cho rằng, Bình Nhưỡng có nhiều lý do để không tin tưởng Washington hơn là Mỹ nghi ngờ nước này, bởi Mỹ là quốc gia duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến tranh thực sự.
Liên quan tới vấn đề này, ông Siegfried S. Hecker, nhà khoa học hạt nhân nổi tiếng ở Mỹ và cũng được biết đến là người có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng niềm tin trong quá trình giải trừ hạt nhân mà ông cho là có thể mất ít nhất một thập kỷ.
Ông đồng thời bày tỏ tin tưởng về một triển vọng tích cực trong việc xây dựng niềm tin với Bình Nhưỡng, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nhà khoa học này cũng bày tỏ hoan nghênh đề xuất gần đây của CHDCND Triều Tiên đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon là một bước đi “đáng chú ý”.
Đánh giá của ông Hecker hoàn toàn trái ngược của nhiều chuyên gia chỉ trích rằng cơ sở hạt nhân Yongbyon đã lỗi thời hoặc có “ít giá trị chiến lược”. Ông Hecker cho rằng tổ hợp hạt nhân này tuy đã cũ kỹ nhưng vẫn có chức năng và có thể hoạt động.
Về phía Mỹ, phát biểu mở màn cuộc họp của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ hôm 27-9, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã kêu gọi thực thị nghiêm túc các lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên.
Ông nêu rõ: “Sự tuân thủ các biện pháp trừng phạt của HĐBA phải được tiếp tục một cách mạnh mẽ và chắc chắn cho đến khi chúng ta đạt được việc phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, cuối cùng và có thể kiểm chứng. Các thành viên của HĐBA phải làm gương trong nỗ lực này”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan tuyên bố các nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào đối với các biện pháp trừng phạt nhằm vào CHDCND Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump cùng ngày cũng nhấn mạnh cần tiếp tục thực thi nghị quyết trừng phạt của HĐBA đối với CHDCND Triều Tiên cho tới khi Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định ông không chơi “trò chơi thời gian” và sẽ không bị ràng buộc về thời gian trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên dù là 5 tháng, 2 năm hay 3 năm.
Tới nay, Trung Quốc và Nga đã nhiều lần kêu gọi nới lỏng lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên, đồng thời phản đối việc Mỹ thúc đẩy việc thực thi mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt bất chấp các quan hệ đang ấm dần lên.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 27-9 nhấn mạnh, không được triển khai các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên theo hình thức “trừng phạt hội đồng”. Bên cạnh đó, ông còn cho rằng đã đến lúc gửi một tín hiệu tích cực tới Bình Nhưỡng để khuyến khích những nhượng bộ.
Ngoại trưởng Nga nói: “Những động thái của CHDCND Triều Tiên hướng tới việc giải giáp (hạt nhân) từng bước một nên được đáp lại bằng việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt”.
Ủng hộ lời kêu gọi của Nga đối với việc xem xét lại các lệnh trừng phạt, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng “những diễn biến tích cực” trong quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, kết hợp với mối quan hệ ấm nồng hơn giữa Mỹ và Triều Tiên, nên dẫn tới việc nới lỏng trừng phạt cho Bình Nhưỡng.
Theo ông Vương Nghị, HĐBA LHQ nên cân nhắc “đúng lúc” một điều khoản nhằm “giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt phù hợp với sự tuân thủ của Bình Nhưỡng”.