Tổng thống Putin hối thúc Armenia-Azerbaijan dừng giao tranh
- Armenia tuyên bố bắn hạ nhiều xe tăng, trực thăng quân sự của Azerbaijan
- (NÓNG TUẦN QUA) Bùng chiến sự ở Kavkaz; Ấn Độ hứa cấp vaccine COVID-19 cho toàn nhân loại
- Đằng sau sự leo thang xung đột ở Nam Kavkaz
Thông tấn Nga TASS ngày 27/9 dẫn thông báo từ Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin cùng ngày điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan về tình hình xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. "Điều quan trọng nhất bây giờ là phải làm mọi thứ để ngăn leo thang các hoạt động thù địch", Điện Kremlin quan điểm của ông Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Theo TASS, cuộc điện đàm do phía Armenia đề xuất. Trước phát biểu của Tổng thống Putin, Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán nhằm tìm lối ra cho xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng ngày đã điện đàm với người đồng cấp của Armenia, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có nhiều ảnh hưởng với Azerbaijan, để thảo luận về khả năng dừng bắn.
Armenia và Azerbaijan sáng 27/9 có đợt giao tranh quân sự nghiêm trọng nhất sau nhiều tháng. Bộ Quốc phòng Armenia cáo buộc Azerbaijan tấn công trước các khu định cư ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh do lực lượng thân Armenia kiểm soát, kéo theo một cuộc phản công của Armenia.
Azerbaijan công bố video bắn hạ các mục tiêu của Armenia. Video: Ruptly |
Ở chiều ngược lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan bác bỏ thông tin do Armenia đưa ra, cho biết lực lượng nước này buộc phải phát động "một cuộc tấn công nhằm ngăn chặn hoạt động chiến đấu của Armenia và đảm bảo sự an toàn cho người dân".
Nagorno-Karabakh, có diện tích khoảng 4.400km2, là vùng lãnh thổ đồi núi hiểm trở nằm sâu trong biên giới phía Tây Nam của Azerbaijan và được công nhận rộng rãi thuộc chủ quyền của Azerbaijan. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở đây là người gốc Armenia và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Video do Armenia cung cấp ghi lại hình ảnh xe tăng Azerbaijan trúng đạn. Video: Ruply |
Tranh cãi về vùng đất này đã khiến Armenia và Azerbaijan xung đột suốt nhiều thập kỷ, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994 sau khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh tuyên bố ly khai.
Sau cuộc chiến này, Azerbaijan mất quyền kiểm soát với Nagorno-Karabakh vào tay lực lượng địa phương do Armenia hậu thuẫn về tài chính và quân sự. Những năm gần đây, các cuộc xung đột vũ trang quy mô nhỏ vẫn tiếp diễn ở khu vực, gần nhất là đợt giao tranh hồi tháng 7/2020, khiến hàng chục người chết.
Hình ảnh được cho là xe tăng của Azerbaijan bị bắn tại vùng Nagorno-Karabakh. Ảnh: EPA |
Thông tin về tổn thất sau đợt giao tranh lần này chưa rõ ràng. Theo AlJazeera, các quan chức Nagorno-Karabakh thân Armenia nói rằng 16 binh sĩ của họ thiệt mạng, 100 người khác bị thương. Phía Azerbaijan có 5 dân thường qua đời trong các đợt pháo kích do Armenia tiến hành.
Armenia khẳng định đã bắn hạ 3 xe tăng, 2 trực thăng và 3 UAV của Azerbaijan, song Azerbaijan chỉ xác nhận mất một trực thăng. Azerbaijan cũng tuyên bố đã giành quyền kiểm soát tới 7 ngôi làng tại vùng Nagorno-Karabakh, điều mà giới chức Nagorno-Karabakh bác bỏ.
Vị trí của vùng Nagorgo-Karabakh. Ảnh: INT |
Sau khi xung đột bùng phát, Armenia tuyên bố tình trạng thiết quân luật và tổng động viên toàn quốc với thanh niên trên 18 tuổi. Chính quyền vùng Nagorno-Karabakh cũng ban bố các quyết định tương tự.
Ngoài Nga, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 27/9 kêu gọi các bên dừng hoạt động quân sự ở Nagorno-Karabakh. Ông Guterres “vô cùng quan ngại” về việc các bên nối lại các hành động xung đột vũ trang, lên án việc sử dụng vũ lực khiến dân thường thương vong.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết Washington đang xem xét vụ việc và cân nhắc biện pháp để ngăn chặn xung đột. Pháp cùng ngày hối thúc hai bên chấm dứt các hành động thù địch và ngay lập tức khởi động lại đàm phán.