Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh rút lại một phần chính sách với Cuba

Thứ Hai, 17/07/2017, 09:12
Hồi tuần trước, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Cuba đã một lần nữa nhắc lại yêu cầu Tổng thống Donald Trump gỡ bỏ cấm vận đối với La Habana. 

Trong một động thái được cho là không “đảo ngược hoàn toàn” chính sách mở cửa ngoại giao của người tiền nhiệm Barack Obama đối với Cuba, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16-7 đã ký sắc lệnh tiếp tục không thực hiện một điều khoản chống Cuba nằm trong Luật Helms-Burton được ban hành từ năm 1996 thêm 6 tháng nữa. 

Trước đó, trong cả 2 nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Obama đã liên tục phủ quyết điều khoản trên bằng các quyết định có thời hạn 6 tháng.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Trump tiếp tục ngưng thực hiện điều khoản cho phép công dân Mỹ được kiện tại tòa án nước này những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động hoặc giao dịch với các cơ sở từng là tài sản của cá nhân và tập thể của Mỹ tại Cuba đã bị chính quyền cách mạng tịch thu từ sau năm 1959. 

Luật Helms-Burton, hay tên gọi chính thức là Luật Tự do Cuba và Đoàn kết Dân chủ, được coi là một trong những công cụ luật hóa khắc nghiệt nhất hệ thống các quy định cấu thành chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba. 

Chủ tịch Cuba Raul Castro phát biểu trước Quốc hội hôm 15-7. Ảnh: Cubadebate.

Quyết định của Tổng thống Mỹ đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố quan điểm cứng rắn của Tổng thống Mỹ đối với La Habana đánh dấu “sự thụt lùi” trong mối quan hệ song phương vốn đã dần được khôi phục trong năm 2015. 

Nhận định này được đưa ra khi hồi tháng 6, Tổng thống Donald Trump tuyên bố bãi bỏ “chính sách một chiều” với Cuba từ thời Tổng thống Obama, theo đó sẽ siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân. 

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng lưu ý rằng, Mỹ vẫn duy trì việc cấm vận đối với Cuba và phản đối lời kêu gọi của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế về việc hủy bỏ lệnh cấm vận đó. Bình luận về tuyên bố này, Chủ tịch Raul Castro đã chỉ trích việc người đứng đầu Nhà Trắng bãi bỏ một phần chính sách thiết lập lại quan hệ song phương được đưa ra dưới thời Tổng thống Obama; nhấn mạnh điều này đi ngược lại với mong muốn cải thiện quan hệ của đa số và chỉ làm hài lòng một số ít đối tượng. 

Chủ tịch Raul Castro tuyên bố: “Bất cứ chiến lược nào tìm cách để tiêu diệt cách mạng, dù thông qua ép buộc hay áp lực hoặc thông qua bất cứ phương pháp tinh vi nào, cũng sẽ thất bại”. 

Theo ông, Cuba và Mỹ “có thể hợp tác và tồn tại bên cạnh nhau, tôn trọng những bất đồng của nhau song không vì thế mà một bên nhân nhượng về chủ quyền và độc lập”. Chủ tịch Raul Castro cũng tái khẳng định việc sẵn sàng tiếp tục “đối thoại tôn trọng” và đàm phán các vấn đề song phương “dựa trên cơ sở công bằng” cũng như sự công nhận “chủ quyền và độc lập” của Cuba.

Hồi tuần trước, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Cuba đã một lần nữa nhắc lại yêu cầu Tổng thống Donald Trump gỡ bỏ cấm vận đối với La Habana. 

Trong một tuyên bố đưa ra trước phiên họp toàn thể của Quốc hội Cuba, Ủy ban này nêu rõ: “Không ai có thể áp đặt luật lệ cho người dân Cuba. Chúng tôi không chấp nhận sự áp đặt đối với nền dân chủ và hoạt động của hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta”. 

Tuyên bố khẳng định Chính phủ Mỹ không được ngăn cản người dân Mỹ “tự do và trực tiếp” liên hệ với Cuba. Ủy ban này cũng ủng hộ việc giới chức Cuba tiếp tục đối thoại với Mỹ trên cơ sở tôn trọng và công bằng. 

Tuyên bố của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Cuba đưa ra trong bối cảnh Văn phòng quản lý tài sản ngoài nước (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, đơn vị ban hành và giám sát việc thực thi các quy định liên quan cấm vận chống Cuba cho biết ngày 15-9 tới sẽ ban hành những quy định mới đối với đảo quốc Caribbe này. 

Chỉ trong năm tháng đầu năm 2017, Cuba đã chào đón khoảng 285.000 du khách Mỹ tới thăm đảo, tương đương tổng số du khách của cả năm 2016. 

Theo Bộ trưởng Kinh tế Cuba Ricardo Cabrisas, kinh tế Cuba đã phục hồi sau suy thoái, và điểm sáng chính trong bức tranh kinh tế Cuba 6 tháng đầu năm là du lịch. Việc hạn chế công dân Mỹ tới La Habana sẽ khiến lượng du khách Mỹ tới đây giảm đột ngột trong nửa cuối năm nay, ảnh hưởng mạnh tới ngành du lịch của Cuba.

Tuy nhiên, dù lo ngại tác động tiêu cực từ chính sách mới với Cuba, nhiều người dân hay hộ kinh doanh cá thể tại quốc đảo Caribbe vẫn lạc quan tin tưởng vào sức mạnh nội tại của đất nước.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.