“Tối hậu thư” dành cho Qatar

Thứ Bảy, 24/06/2017, 00:55
4 quốc gia Arab Saudi từng tuyên bố tẩy chay Qatar vì ủng hộ khủng bố ngày 23-6 đã gửi tới Doha một bản danh sách gồm 13 yêu sách, trong đó đòi Qatar đóng cửa Đài truyền hình Al Jazeera, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này.

Đại diện của 4 quốc gia này tuyên bố, yêu sách được đưa ra nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Arab vùng Vịnh tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua. Đồng thời, đại diện 4 quốc gia này vẫn cáo buộc chính Qatar đã tạo nên cuộc khủng hoảng vì đã thực hiện sai sứ mệnh của “người môi giới hòa bình” trong các cuộc xung đột ở vùng đất Hồi giáo này.

Theo đó, cách tiếp cận độc lập của Qatar trong vấn đề Iran, các tổ chức Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo nên mối đe dọa ngoại giao cho chính họ. Hãng thông tấn AP dẫn một nguồn tin cho biết, trong yêu sách 13 điểm của mình, 4 quốc gia Arab gồm Arab Saudi, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain đã yêu cầu Qatar phải đóng cửa Đài truyền hình Al-Jazeera, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ nước này. Doha cũng bị yêu cầu phải công khai tuyên bố cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố cực đoan bao gồm tổ chức Anh em Hồi giáo, Hezbollah, Jabhat Fateh al Sham.

Với cáo buộc Qatar hậu thuẫn cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, những nước này còn đề nghị chính quyền Doha phải giao nộp tất cả các phần tử khủng bố nằm trong danh sách do 4 nước Arab cung cấp và và đưa các phần tử này ra khỏi lãnh thổ của mình.

Kuwait đã được giao trách nhiệm làm “đại sứ” trao bản yêu sách trên cho Qatar và nước này chỉ có 10 ngày để thực hiện nếu không sẽ không thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay.

Một góc bờ biển ở Qatar. Ảnh: Reuters.

Hiện chưa có phản hồi chính thức nào từ Qatar trước thông tin về yêu sách 13 điểm này của các nước Arab. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên hãng Reuters, rất nhiều quan chức và cả người dân Qatar đều tức giận và gọi bản yêu sách này là vô lý, không thích hợp.

Haseeb Mansour hiện đang làm việc tại Công ty Ooredoo trả lời qua điện thoại với hãng Reuters rằng, yêu sách này chẳng khác gì chuyện bắt đài CNN của Mỹ đóng cửa. Còn Abullah al-Muhanadi ở Doha thì gọi đây chỉ là cách mà Arab Saudi và các nước đồng minh “đổ thêm dầu vào lửa vì rằng “chẳng có yếu tố nào của lực lượng cách mạng Iran ở Qatar” và “thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ đã được thực hiện từ rất lâu và chẳng ảnh hưởng đến ai”.

Nhiều nhà phân tích cũng nhận định theo chiều hướng tiêu cực rằng yêu sách của các quốc gia Arab chỉ càng khiến Qatar thêm khó chịu và khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa khối Arab với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, hôm 19-6, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã tuyên bố nước này chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu các nước Arab đồng ý dỡ bỏ các biện pháp tẩy chay Qatar.

Thậm chí, Ngoại trưởng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani còn khẳng định, nếu như việc cô lập vẫn còn tiếp tục diễn ra, Qatar sẽ thực hiện kế hoạch dự phòng với các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait và Oman, cũng như các quốc gia đối thủ khác của Arab Saudi.

Hãng AP thì cho biết, hôm 22-6, 23 binh lính và 5 xe bọc thép của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã được triển khai tới thủ đô Doha trong khuôn khổ các thỏa thuận huấn luyện và hợp tác quân sự giữa hai nước. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình NTV, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik cho biết, nước này không có kế hoạch xem xét lại việc đặt căn cứ quân sự tại Qatar và bất kỳ yêu cầu nào về việc đóng căn cứ trên sẽ thể hiện sự can thiệp vào các mối quan hệ của Ankara với Doha.

Mặt khác, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Arab Saudi cũng như tân Thái tử để đẩy mạnh nỗ lực giải quyết tình hình căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực với Qatar. Trong một diễn biến khác, Mỹ, đồng minh của Arab Saudi đã bắt đầu thay đổi giọng điệu với Qatar khi nói về bản yêu sách 13 điểm.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh, Mỹ mong muốn đạt được sự đoàn kết trong các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) để các bên có thể tập trung vào cuộc chiến chống IS trên khắp khu vực. Được biết, căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh bùng phát hôm 5-6 khi Arab Saudi, Ai Cập, UAE và Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố và can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực.

Qatar đã kịch liệt bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha.

Phan Hiển
.
.
.