Thúc đẩy sự thượng tôn pháp luật ở Biển Đông

Thứ Tư, 30/11/2016, 01:28
Nhận định này được các học giả đưa ra trong khuôn khổ buổi hội thảo ''Hướng đến những vùng biển mở và tự do tại châu Á'' do Học viện Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ quán Anh đồng tổ chức ngày 29-11. Đồng thời, các đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn mà các quốc gia phải đối mặt trong bối cảnh Biển Đông hiện nay.


Phân định các hoạt động trái pháp luật

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Biển Đông nhấn mạnh, việc tôn trọng luật quốc tế là vô cùng cần thiết nhằm tránh những bất ổn và hỗn loạn có thể xảy ra trong bối cảnh thế giới hiện nay. Tuy nhiên ông không phủ nhận việc tìm ra con đường nhằm thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Đại sứ Nguyễn Trường Giang nói: “Phán quyết của Tòa án trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước quốc tế của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) không chỉ mang giá trị pháp lý mà còn có thể điều chỉnh hành vi của một số nước ở khu vực Biển Đông. Việc thi hành phán quyết đồng thời phụ thuộc vào sự quyết tâm đồng lòng của các quốc gia”.

Hội thảo về Biển Đông diễn ra ngày 29-11.

Nhất trí với quan điểm này, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever khẳng định, thượng tôn pháp luật là vấn đề rất quan trọng. Chính phủ Anh hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết xung đột, bảo vệ tầm quan trọng trong chiến lược của Biển Đông cho các mục tiêu kinh tế.

Cũng tại hội thảo, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kuio Umeda bày tỏ niềm tin và kỳ vọng vào việc bình ổn tranh chấp tại Biển Đông trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và hòa hợp, đoàn kết giữa các quốc gia.

Đại sứ Kuio Umeda nói: “Nhật Bản đã, đang và sẽ luôn nỗ lực để xây dựng một môi trường quốc tế lành mạnh nơi các quốc gia có quyền và tránh nhiệm tôn trọng và hành xử theo luật pháp quốc tế.

Chúng tôi mong muốn, hội thảo sẽ cung cấp quan điểm chung về tầm quan trọng của trật tự pháp lý trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở châu Á  và các phương thức hợp tác quốc tế hiệu quả nhằm khuyến khích sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế”.

PGS Luật quốc tế Kentaro Nishimoto thuộc Đại học Tohoku, Nhật Bản nhận định, sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết về những tranh chấp trên Biển Đông, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò, Trung Quốc vẫn tiếp tục nung nấu và triển khai nhiều hoạt động trên các mặt trận quân sự, kinh tế, truyền thông nhằm chống lại phán quyết này, gây khó khăn cho quá trình hợp tác quốc tế của các quốc gia có liên quan. Vì vậy, cần phải phân định rõ các hoạt động trái với luật pháp quốc tế trên Biển Đông.

Cụ thể, đó là các hoạt động của Trung Quốc như can thiệp trái luật vào việc Philippines thực thi các quyền của mình; không tôn trọng quyền đánh bắt truyền thông; hoạt động đánh bắt và cải tạo đảo vi phạm nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn môi trường biển; các tàu cá cũng không tuân thủ theo UNCLOS.

TS Hà Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính sách - Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao thì khẳng định, những yêu sách quá mức, thái độ hung hăng của Trung Quốc là hành vi đơn phương nhằm thách thức Luật pháp quốc tế.

Nhưng Trung Quốc sẽ không hề dễ dàng thực hiện được chiêu bài này bởi những khuôn khổ pháp lý và chính trị hiện hành bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), UNCLOS và đặc biệt là động thái quan tâm của quốc tế sau vụ kiện của Philippines.

Đồng thời, cơ chế hợp tác hiện hành do ASEAN lãnh đạo trên tinh thần ổn định khu vực sẽ luôn là rào cản lớn cho Trung Quốc, tiến sĩ Hà Anh Tuấn nhận định.

Triển khai các nguyên tắc hợp tác

Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết xung đột, bảo vệ tầm quan trọng trong chiến lược của Biển Đông cho các mục tiêu kinh tế.

Ông Giles Lever cũng dấy lên quan điểm về những thách thức đối với hợp tác quốc tế bắt nguồn từ chính mâu thuẫn và khác biệt về lợi ích quốc gia. Mâu thuẫn này nảy sinh khi các bên có những mưu cầu khác nhau về thương mại trên biển, hoặc không đủ nguồn lực để cân bằng hợp tác đa phương trên các lĩnh vực an ninh, trật tự, môi trường.

Nhất trí với nhận định này, ông Shotaro Hamamoto - Giáo sư Luật quốc tế Đại học Kyoto đề ra giải pháp xây dựng lợi ích quốc gia ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong đó lưu ý cân bằng giữa quyền lợi quốc gia và vị thế quốc gia đó trong hệ thống hợp tác quốc tế, trong đó nhấn mạnh luật pháp cần áp dụng linh hoạt và công bằng giữa các bên.

Cụ thể, hợp tác ở Biển Đông phải dựa trên các nguyên tắc: quy định luật pháp, kiềm chế khi vấn đề chưa được giải quyết, tính toàn diện (tức là sự tham gia của tất cả các bên liên quan), tiếp cận tiệm tiến và tư duy hợp tác.

Nhiều đại biểu khác thì nhấn mạnh và bày tỏ sự ủng hộ đối với những vấn đề mà TS Hà Anh Tuấn đã đưa ra trong đó khẳng định, muốn có sự hợp tác ở Biển Đông cần xây dựng lòng tin; hướng dẫn chính trị (hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông-COC); mở rộng hợp tác kinh tế với sáng kiến kết nối; bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên khi tham gia khai thác ngư nghiệp và dầu khí; hợp tác nghiên cứu, thúc đẩy các sáng kiến về minh bạch.

Hiện hợp tác ở Biển Đông đang duy trì một số lĩnh vực như sau: nỗ lực hoàn thành COC; xây dựng công viên biển về bảo tồn nguồn cá; các ý tưởng về đối thoại giữa hải quân và các cơ quan liên quan của các quốc gia ven biển ở Biển Đông; thiết lập mạng lưới nghiên cứu khu vực ở Biển Đông.

Đặc biệt, trọng tâm của hợp tác Biển Đông thời điểm này chính là hợp tác nghề cá bởi nguồn cá ở Biển Đông đang cạn kiệt nhanh, đánh bắt cá là tuyến đầu trong tranh chấp và ngư dân đang đối mặt với nhiều mối đe dọa về an ninh và thời tiết.

Huyền Chi-An Nhiên
.
.
.