Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Pháp:

Tìm giải pháp chống sự nóng lên của Trái đất

Thứ Ba, 01/12/2015, 08:12
Ngày 30-11, Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 21 của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP21) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Paris của Pháp. 

Sứ mệnh cứu sống

Mục tiêu của hơn 40.000 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên LHQ tới tham dự hội nghị là thúc đẩy một thỏa ước đầy tham vọng và mang tính ràng buộc đối với thách thức biển đổi khí hậu liên quan đến tất cả các nước.

Phát biểu với báo giới ngay trước giờ khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, COP21 có sứ mệnh cứu sống “cuộc sống của dân cư, đất đai, hệ thống sinh học” trên Trái đất. Cụ thể là trong 2 tuần đàm phán tại Paris, các nhà lãnh đạo thế giới và các nguyên thủ quốc gia sẽ phải thương lượng để đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Để thể hiện vai trò và thiện chí của mình, các nước đều phải trình lên những bản kế hoạch của mình.

Đến chiều 30/11, ban tổ chức COP 21 đã nhận được bản kế hoạch về giảm khí thải của 183 trong tổng số 195 quốc gia thành viên. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, thông qua các đóng góp của từng quốc gia, một thỏa thuận sẽ được ký kết. Thỏa thuận này nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 2ºC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mục đích là đạt được một thỏa thuận phổ quát và ràng buộc có thể áp dụng từ năm 2020 đối với 195 quốc gia.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Pháp về COP21 cũng nhấn mạnh: “Theo nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu, nhiệt độ bề mặt của trái đất đã tăng trung bình 0,85°C kể từ năm 1880 và dự báo sẽ tăng 0,3-4,8°C từ nay đến năm 2100 tùy thuộc vào sự phát ra của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các sáng kiến để giải quyết vấn đề này ở quy mô trong nước, thông qua các địa phương, các tổ chức dân sự và các doanh nghiệp sẽ tăng cường sự tham gia, bên cạnh sự đóng góp của Nhà nước. 

Giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một trong những biện pháp cần phải thực hiện để chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AP.

Pháp chọn cách ủng hộ để Hội nghị Paris 2015 trở thành một chương trình của những giải pháp. Đó là toàn bộ các sáng kiến bổ sung cho thỏa ước quốc tế, được thực hiện ở quy mô địa phương thông qua các chính phụ, các cơ quan chính quyền địa phương, cũng như những tác nhân phi nhà nước, nhằm đóng góp vào việc tăng cường cam kết của các Nhà nước trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và về vấn đề tài chính. Chương trình giải pháp này sẽ dựa vào việc trao đổi kinh nghiệm, truyền đạt kiến thức và công nghệ cần thiết để hướng tới nền kinh tế carbon thấp”.

1.000 tỷ USD để thực hiện

Theo các nhà phân tích, một trong những vấn đề gai góc nhất được bản thảo là mức góp tài chính của các nước giàu dành cho Quỹ khí hậu Xanh để hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện nay, Quỹ khí hậu Xanh đã huy động được con số 9,3 tỷ USD, trong đó gần 1 tỷ USD đến từ Pháp. Báo cáo của Viện Môi trường và Phát triển quốc tế (IIED), có trụ sở tại London (Anh), cho hay, 48 quốc gia nghèo nhất thế giới cần có 1.000 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2030 để có thể thực hiện kế hoạch chống biến đổi khí hậu.

Nghĩa là mỗi năm, các nước này sẽ cần 93 tỷ USD bao gồm 53,8 tỷ USD cho giảm khí phát thải và 39,9 tỷ USD đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan và tình trạng nước biển dâng cao. Trong khi đó, Anh, Pháp, Ấn Độ và 17 quốc gia khác còn đang muốn tăng gấp đôi quỹ nghiên cứu công nghệ phát triển năng lượng sạch lên 20 tỷ USD.

Trên thực tế, hiện tượng Trái đất ấm nóng lên đang trở nên đáng báo động. Nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) khẳng định, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2015 đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục của năm 2014. Dữ liệu khí tượng đo được từ đầu năm đến hết tháng 10 cho thấy nền nhiệt đô năm nay đã vượt mức nền nhiệt độ trung bình của cả năm 2014. Ước tính sơ bộ trên cơ sở dữ liệu khí tượng từ tháng 1 đến tháng 10 cho thấy, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu năm 2015 cao hơn 0,73 độ C so với trung bình nhiệt độ giai đoạn 1961-1990.

WMO cũng cho biết, giai đoạn 2011-2015 là giai đoạn nóng nhất trong lịch sử. Nền nhiệt độ trung bình của giai đoạn này cao hơn 0,57 độ C so với giai đoạn 1961-1990. Các nhà nghiên cứu khí tượng cho rằng, tác động của hiện tượng El Nino thường cảm thấy mạnh mẽ hơn trong năm sau, có nghĩa là năm 2016 có thể sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự kiện này hơn là năm 2015.

Gia Nam
.
.
.