Thổ Nhĩ Kỳ và Nga gia tăng căng thẳng vì các cuộc không kích ở Syria

Thứ Tư, 07/10/2015, 08:10
Căng thẳng trong mối quan hệ song phương Thổ Nhĩ Kỳ - Nga ngày càng gia tăng khi chính quyền Ankara lần thứ 2 triệu tập Đại sứ Nga tại nước này để phản đối việc máy bay chiến đấu của Nga không kích vào Syria và bị cho là xâm phạm vùng trời Thổ Nhĩ Kỳ.


Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục tuyên bố giành nhiều thắng lợi trong chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và kêu gọi Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác để chống IS.

Ngày 6/10, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lại triệu tập Đại sứ Nga tại Ankara đến để phản đối về việc máy bay tiêm kích của Nga vi phạm không phận nước này trong khi tham gia chiến dịch không kích chống IS ở Syria. Theo thông tin mà Thủ tướng  Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thông báo trên kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã ít nhất 2 lần xâm phạm vùng trời nước này.

Lần đầu tiên là vào ngày 3/10 sau khi bị 2 máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện và cảnh báo. Lần thứ 2 xảy ra một ngày sau đó, tức chủ nhật 4/10. Hiện cả Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên khác của NATO đều chỉ trích Nga xung quanh việc này và kêu gọi chính quyền Moskva chấm dứt ngay các cuộc không kích ở Syria.

Nga đã sử dụng nhiều loại bom hiện đại, có sức công phá lớn cho chiến dịch không kích mục tiêu IS tại Syria. Ảnh: EPA.

Và trong khi Nga khẳng định mục tiêu các cuộc không kích là nhằm vào căn cứ của IS ở Syria và các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác thì NATO lại cho rằng đây chỉ là “bức bình phong cho chiến dịch làm suy yếu các tổ chức đối lập ở Syria” và “gây tác động xấu, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Syria”. 

Thậm chí, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg còn “đổ thêm dầu vào lửa” bằng tuyên bố rằng, việc Nga xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực gần biên giới Syria “không phải ngẫu nhiên mà là sự xâm phạm nghiêm trọng. Sự xâm phạm này đã diễn ra trong thời gian dài so với những lần xâm phạm không phận trước đó mà chúng tôi từng chứng kiến ở những nơi khác tại châu Âu”.

Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại cảnh báo rằng, việc máy bay Nga "xâm nhập" không phận Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Washington trong NATO, đã gây ra nguy cơ dẫn đến một tình huống leo thang nghiêm trọng và rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bắn hạ các máy bay chiến đấu của Nga. Đài CNN dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thì nhận định, nhiều khả năng, sau chiến dịch không kích, Moskva có thể triển khai lực lượng và vũ khí để tiến hành chiến dịch trên bộ tại Syria bởi đến nay, Nga đã triển khai ở thành phố Homs và Idlib các loại vũ khí mặt đất bao gồm pháo binh và 4 giàn hỏa tiễn đa nòng BM-30 Smerch.

Trong khi đó, theo hãng tin Itar-Tass, Chính phủ Nga đang xem xét kỹ lưỡng cáo buộc cho rằng một trong những máy bay của nước này đang hoạt động ở Syria đã lần thứ hai xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga hôm 5/10 khẳng định, máy bay quân sự của nước này xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ do điều kiện thời tiết xấu, đồng thời cho biết đã áp dụng những biện pháp nhằm ngăn chặn các trường hợp tương tự.

Để xoa dịu căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thành viên khác của NATO, Nga còn đề nghị hợp tác với Mỹ trong chiến dịch không kích IS tại Syria. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Chúng tôi đã trao đổi với phía Mỹ về việc tăng cường các giao tiếp trực tiếp giữa quân đội hai nước trong thời gian tới. Các đồng nghiệp Mỹ đã cam kết sẽ nhanh chóng trả lời cho đề xuất của chúng tôi. Trong một vài ngày tới, chúng tôi sẽ nhận được câu trả lời”. Đồng thời, Nga cũng kêu gọi các quốc gia khác trong khu vực Vùng Vịnh cùng đoàn kết tham gia cuộc chiến chống IS, diệt trừ tận gốc những tư tưởng khủng bố, cực đoan.

Phan Hiển
.
.
.