Thổ Nhĩ Kỳ lại "trêu ngươi" phương Tây khi nhăm nhe mua hệ thống S-400 của Nga

Thứ Tư, 17/08/2016, 14:24
Ngày 17-8, Daily Sabah đưa tin, Ankara đang cân nhắc mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga trong bối cảnh quan hệ hai nước đang trong quá trình bình thường hóa.


Hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa 2 nước là một trong những chủ đề chính trong cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Tổng thống Nga Putin tại St. Petersburg vào ngày 7-8 vừa qua.

"Chúng tôi sẽ tăng cường sự hợp tác (với Nga) trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng", Tổng thống Erdogan tuyên bố ngày 7-8 trong cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh kéo dài 2 giờ với người đồng cấp Nga.

Một bệ phóng S-400. Ảnh: Sputnik.

Còn vào ngày 15-8, trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết :"Chúng tôi phải có sự hợp tác với các đối tác khác trong việc mua sắm các hệ thống vũ khí bởi một số đồng minh NATO đã từ chối bán hệ thống phòng không cũng như chia sẻ thông tin với chúng tôi".

Thổ Nhĩ Kỳ muốn có một hệ thống phòng không tầm xa không phải là mới. Vào năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở thầu với 3 ứng viên nặng ký là hệ thống FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của hệ thống Hồng Kỳ HQ-9) do tập đoàn China Precision Machinery Import-Export Corporation (CPMIEC) của Trung Quốc, hệ thống  SAMP/T Aster 30 của châu Âu và S-400 của Nga.

Sản phẩm Trung Quốc sau đó đã được chọn bởi nhà sản xuất sẵn sàng chia sẻ công nghệ với Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên việc này gặp phải sự phản đối quyết liệt của các đồng minh NATO do lo ngại không thể tích hợp và hệ thống phòng không chung. Dự án thầu sau đó bị hủy và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ sẽ xây dựng 1 hệ thống riêng của mình.

Phân tích việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400, tiến sĩ Mustafa Kibaroğlu đến từ đại học MEF, Istanbull cho rằng phản ứng của các nước NATO sẽ tương tự như hồi 3 năm trước. Một hệ thống tên lửa như S-400 sẽ khó mà tích hợp vào lá chắn tên lửa chung của Mỹ và NATO. Hơn nữa hệ thống radar cảnh báo tầm xa tại Kürecik và Malatya sẽ khó mà chia sẻ các thông tin cho S-400.

Hơn nữa Mỹ và NATO chắc chắn sẽ lo ngại sự rò rỉ thông tin quân sự nhạy cảm thông qua S-400. Cuối cùng là Nga khó mà bán một hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất của họ với đầy đủ tính năng cho một thành viên NATO.

B.N (theo Daily Sabah)
.
.
.