Thế giới trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Thứ Năm, 19/01/2017, 08:42
Hôm 17-1, Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2017 đã chính thức khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ. Với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”, diễn đàn năm nay đề cao vai trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới.


Diễn ra trong 4 ngày, WEF 2017 thu hút khoảng 3.000 đại biểu đến từ hơn 70 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (LHQ), Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó có gần 50 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và hàng chục lãnh đạo các tổ chức, tập đoàn lớn như Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Anh Theresa May và đại diện nhóm chuyển giao quyền lực của chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump…

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự hội nghị này.

WEF 2017 diễn ra trong 4 ngày, thu hút sự tham gia của 3.000 đại biểu đến từ hơn 70 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế.  Ảnh: AP.

Theo nguồn tin từ hãng AP, hội nghị WEF 2017 có tổng cộng 446 phiên thảo luận về các nhóm vấn đề bao gồm ứng phó với các bất ổn an ninh và chủ nghĩa dân túy; thúc đẩy phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; và các chuyển biến đang diễn ra do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

Việc lựa chọn chủ đề này mang ý nghĩa thời sự, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, bất ổn và nhiều chuyển biến sâu sắc. Biến động và bất ổn trong lĩnh vực an ninh (xung đột, khủng bố), chính trị (xu thế của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập đang đặt ra thách thức lớn cho thương mại toàn cầu...), kinh tế và môi trường,...

Chuyển biến sâu sắc đang diễn ra trên toàn thế giới do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Công nghệ mới như in ba chiều, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano,… đang làm thay đổi một cách căn bản quy trình sản xuất truyền thống, nâng cao năng suất lao động, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng thất nghiệp và nới rộng khoảng cách giàu nghèo, trong cùng một quốc gia và giữa các quốc gia, đòi hỏi các quốc gia phải có những biện pháp toàn diện, tổng thể và sâu rộng để cùng nhau giải quyết.

Những lo ngại nói trên cũng đã được Tổng thống nước chủ nhà Doris Leuthard bày tỏ trong bài phát biểu khai mạc. Tờ The Wall Street Journal thì nhận định, sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn WEF 2017 đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia diễn đàn này.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tập Cận Bình cho rằng, theo đuổi chính sách bảo hộ giống như việc tự cô lập bản thân. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định có rất nhiều vấn đề đang tồn tại trên thế giới mà không phải do tiến trình toàn cầu hóa kinh tế gây nên.

Đề cập tới nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh sẽ không có nước nào chiến thắng trong cuộc chiến này. Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết, bất chấp kinh tế toàn cầu đang đình đốn, kinh tế Trung Quốc dự báo đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, mức tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, thành viên Ban điều hành WEF Philipp Roesler nhấn mạnh: "Chúng ta thấy chiều hướng của chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển. Chúng ta cần có lập trường vững chắc trong thương mại toàn cầu, thị trường mở, thương mại tự do và cạnh tranh công bằng. Cách tốt nhất vẫn là hợp tác toàn cầu”. 

Một điểm đáng chú ý nữa là năm nay, do hội nghị WEF 2017 được khai mạc chỉ 3 ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nên các cuộc thảo luận cũng tập trung vào các chính sách của ông Trump có ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới và các mối quan hệ quốc tế.

Phan Hiển
.
.
.