Thế giới sắp cán mốc 100 triệu người mắc COVID-19

Chủ Nhật, 24/01/2021, 14:15
Hơn một năm từ thời điểm ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận, thế giới lúc này báo cáo gần 100 triệu ca dương tính, bất chấp nỗ lực khổng lồ của các nước nhằm ngăn đà lây lan.

Khẩu trang trở thành vật bất ly thân của nhiều người trong dịch COVID-19. Ảnh: ITN

Số liệu cập nhật thời gian thực trên Worldometers tính đến 14h chiều nay (24/1, giờ Hà Nội), thế giới đã báo cáo 99,33 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó hơn 2,1 triệu người bệnh tử vong. Tổng số người nhiễm COVID-19 đã hồi phục là 71,4 triệu, trong khi hơn 25,8 triệu người khác vẫn đang vật lộn với bệnh tật.

Bất chấp nỗ lực của các nước như ban bố lệnh giãn cách, phong tỏa, cách ly hay tiêm vaccine, số người nhiễm mới vẫn đang tiếp tục đà gia tăng. Hôm 22/1, số ca nhiễm phá mọi kỷ lục khi đạt mốc trên 657.000 ca. Ngày 23/1, thế giới báo cáo 575.600 ca.

Thế giới những tuần qua còn đối mặt với nguy cơ cao do những biến chủng mới có khả năng lây lan cao của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy lần đầu ở Anh, Nam Phi hay Nhật Bản. Với tình thế hiện tại, giới chuyên gia nhận định thời điểm toàn thế giới ghi nhận người bệnh thứ 100 triệu chỉ tính bằng giờ.

Theo Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), COVID-19 đã gây ra “những tác động thảm khốc” đến toàn thế giới. Không chỉ là những rủi ro sức khỏe, an sinh xã hội khi đại dịch kéo dài mà còn vô vàn hậu quả về kinh tế, chính trị - những khía cạnh được dự báo sẽ có thể khủng hoảng trầm trọng trong nhiều năm tới.

Hiện Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất toàn cầu khi báo cáo hơn 25,5 triệu ca bệnh và 427.000 người chết. Gần một năm sau khi Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên, mức độ trầm trọng của đại dịch đã lên đến mức khoảng 100.000 người chết vì COVID-19 chỉ trong 4 tuần gần nhất.

Từ khi chính quyền mới của ông Joe Biden nhậm chức, Mỹ đã siết chặt các biện pháp phòng dịch như quy định đeo khẩu trang và ra lệnh cách ly đối với những người đến Mỹ bằng đường hàng không.

Ông Biden gần đây công bố mục tiêu tiêm 100 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ. Tuy nhiên, mục tiêu này có vẻ rất khó thực hiện. Đến nay, chỉ trên dưới 15 triệu người Mỹ được tiếp cận vaccine, dù quá trình tiêm chủng đã khởi động từ tháng trước.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 14.891, nâng tổng số người nhiễm lên hơn 10,6 triệu. Tại Ấn Độ, 153.376 người đã thiệt mạng vì COVID-19. Tiếp theo, Brazil vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận 8,8 triệu ca bệnh, trong đó 216.500 người nhiễm đã tử vong.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 20.921 bệnh nhân mới trong 24h gầnn hất, nâng tổng số ca nhiễm lên 3,7 triệu. Số liệu tử vong do COVID-19 được giới chức y tế Nga báo cáo là gần 69.000, song theo số liệu được công bố cách đây vài tuần của cơ quan thống kê nhà nước Nga, số người chết vì dịch có thể gấp ba lần con số ghi nhận được.

Ở châu Âu, không tính Nga, hơn 25,2 triệu người đã được xét nghiệm dương tính với COVID-19, trong đó gần 600.000 người đã tử vong. Các nước châu Âu gần đây duy trì hoặc siết chặt hơn các biện pháp giãn cách nhằm ngăn đà lây lan của dịch bệnh.

Gần đây, một số quốc gia ở châu Âu bắt đầu tỏ ra mất kiên nhẫn với tốc độ phê duyệt vaccine của Liên minh châu Âu (EU). Hungary tuần trước trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên phê duyệt hai mẫu vaccine COVID-19 Sputnik V do Nga sản xuất để sớm khởi động quá trình tiêm chủng quy mô lớn cho người dân.

Thiện Nhân
.
.
.