EU nỗ lực giải quyết bất đồng để ứng phó COVID-19

Thứ Bảy, 23/01/2021, 09:50
Tại Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra hôm 21/1 (giờ địa phương) theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tập trung thảo luận các thách thức trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Trọng tâm phải kể đến là việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô lớn, hay cách tiếp cận đối với chứng nhận tiêm chủng trên toàn khu vực mà truyền thông vẫn gọi là "hộ chiếu vaccine". Đây là những vấn đề đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều giữa các nước EU hiện nay.

Chiến dịch phân phối vaccine

Về cơ bản, chiến dịch này nhận được sự ủng hộ của hầu hết các nước thành viên EU. Trong năm 2020, EU đã đặt hàng 2 tỷ liều vaccine COVID-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều, cho tổng dân số của EU là 450 triệu người. 

Vì thế, có thể nói là nếu so sánh với sự chậm trễ và thiếu đoàn kết trong giai đoạn đầu đại dịch liên quan đến việc phân phối khẩu trang và các thiết bị y tế, EU đã hành động nhanh hơn trong vấn đề đặt mua vaccine ngừa COVID-19. 

Ngoài ra, do 27 nước EU cùng tham gia đặt hàng tập thể nên khối này có được ưu tiên đặt hàng với số lượng lớn với giá thành cạnh tranh hơn nhiều so với việc các nước tự đặt hàng vaccine và đã tiết kiệm được hàng tỷ euro.

Tuy nhiên, EU lại bị xem là đã có những lựa chọn sai lầm trong việc lựa chọn loại vaccine. Trong khi các nước như Mỹ, Nhật, Anh hay Canada đã ồ ạt đặt mua vaccine của Pfizer và BioNTech từ tháng 7- 8/2020 thì khi đó EU lại tập trung đặt hàng vaccine của các hãng Sanofi (Pháp) hay AstraZeneca. Vaccine của hai hãng này đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển, thử nghiệm và cho đến nay vẫn chưa được duyệt sử dụng, như vaccine của Sanofi thậm chí dự kiến đến nửa cuối 2021 mới hoàn tất. 

Vì thế, phải đến tháng 11 và 12-2020, EU mới vội vã chuyển sang đặt hàng số lượng lớn vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna. Ngoài ra, EU cũng bị chỉ trích vì đã quá cứng nhắc trong việc sớm phê duyệt các loại vaccine, để đến cuối năm 2020 mới cho phép các nước tiến hành chiến dịch tiêm chủng. Điều này khiến dư luận châu Âu tức giận khi so sánh với các chiến dịch tiêm chủng cấp tốc tại Mỹ hay Anh.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 21/1. Ảnh: AP.

Bất đồng xung quanh "hộ chiếu vaccine"

Ý tưởng về "hộ chiếu vaccine" được Hy Lạp đưa ra từ vài tuần trước, theo đó, công dân châu Âu đã được tiêm vaccine có thể tự do di chuyển, không bị hạn chế. Athens muốn Brussels áp dụng "hộ chiếu vaccine" sớm nhất có thể để cứu vãn mùa du lịch Hè năm 2021. 

Một số nước thành viên EU vốn có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Malta hay một số nước vốn cũng có ý định cấp "hộ chiếu vaccine" cho công dân của mình như Đan Mạch hay Ba Lan cũng ủng hộ đề xuất của Hy Lạp. Tuy nhiên, đây là chủ đề gây ra tranh cãi rất lớn giữa các nước thành viên vì cũng có không ít nước phản đối, tiêu biểu là Pháp. 

Paris cho rằng, hiện tại châu Âu mới đang trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm vaccine, và mới chỉ có 5 triệu công dân châu Âu được tiêm vaccine, không ai rõ hiệu quả của việc tiêm vaccine hiện nay trong việc chống dịch như thế nào… nên việc bàn về "hộ chiếu vaccine" vào lúc này là quá sớm, đặc biệt khi chiến dịch tiêm vaccine tại châu Âu đang chậm trễ và gặp rất nhiều vấn đề. 

Ngoài ra, đối với chính quyền Pháp thì "hộ chiếu vaccine" đồng nghĩa với việc phải đề ra các quy định tiêm vaccine bắt buộc và điều này lại là chủ đề mà dân chúng Pháp tranh cãi rất nhiều. 

Do đó, phía Pháp không muốn biến "hộ chiếu vaccine" thành một rủi ro chính trị vào thời điểm này. Tại Đức thì "hộ chiếu vaccine" cũng gây tranh cãi khi đa số đều phản đối bởi hiện nay ưu tiên lớn của Đức cũng như nhiều nước khác là siết chặt quy định để ngăn sự lây lan của biến thể virus đến từ Anh.

Do có sự tranh cãi lớn nên tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, các lãnh đạo EU cũng không bàn về chủ đề "hộ chiếu vaccine".

Và triển vọng hợp tác với Mỹ

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell từng tuyên bố, thế giới thời gian qua đã thiếu đi sự đoàn kết và hợp tác, đặc biệt là sự tiên phong của Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch. 

Một trong những cam kết được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là việc nước Mỹ sẽ ngay lập tức quay trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau khi ông nhậm chức. 

Châu Âu đang chờ đợi điều này vì ngay cả trong những thời điểm mà WHO bị chỉ trích nặng nề nhất hồi đầu đại dịch COVID-19, EU cũng như nhiều nước thành viên đều nhấn mạnh vai trò của WHO là không thể thiếu trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 do WHO là tổ chức y tế lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong việc điều phối chính sách trên phạm vi toàn cầu. 

Châu Âu cho rằng dù có nhiều thiếu sót và cần phải cải tổ nhưng WHO không thể bị bỏ rơi. Châu Âu muốn Mỹ quay lại WHO, tham gia vào Liên minh vaccine toàn cầu, dẫn đầu các chiến dịch phòng chống dịch dựa trên khoa học, mở rộng việc phân phối vaccine cho các nước thế giới thứ 3… vì châu Âu cho rằng nước Mỹ có tiềm lực kinh tế và vị thế chính trị để dẫn đầu các nỗ lực này trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, đó không phải là điều đơn giản. Nước Mỹ trước hết cần phải ngăn chặn được đại dịch đang vô cùng nghiêm trọng trong nước cũng như cần phải sửa chữa các sai lầm trước đây. Nói cách khác thì Mỹ cần tự cứu chính mình trước. Ngoài ra, thế giới hiện tại cũng không phải là thế giới mà mọi thứ đều phải đi theo người Mỹ. 

Các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… chống dịch tốt hơn nhiều các nước châu Âu hay Mỹ nên cũng không có nghĩa vụ phải đi theo các nơi đang bị dịch COVID-19 tàn phá nghiêm trọng như thế. 

Ngoài ra, Trung Quốc hay Nga cũng là các nước đang đi đầu trong việc phân phối và hợp tác phát triển vaccine với các quốc gia nghèo hơn, chứ không phải là chỉ tập trung gom hết các đơn đặt hàng vaccine như Mỹ hay châu Âu. Vì thế, ý muốn của châu Âu về việc Mỹ trở lại dẫn dắt cuộc chiến chống dịch toàn cầu chỉ phản ánh quan điểm một chiều từ phía châu Âu.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.