Thế giới phản đối máy bay Trung Quốc hạ cánh ở Biển Đông

Thứ Bảy, 09/01/2016, 08:36
Không chỉ cảnh báo và bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc hạ cánh xuống một sân bay mà nước này cố tình xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế còn khẳng định, tự do hàng hải trên Biển Đông là “quyền không thể thương lượng” và kêu gọi Bắc Kinh tránh bất kỳ điều gì làm gia tăng căng thẳng.


Một ngày sau khi 2 máy bay dân sự cỡ lớn của Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, không chỉ có Việt Nam mà nhiều quốc gia khác ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu đều lên tiếng phản đối.

Philippines, một trong số các nước có tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc cho biết, nước này đang xem xét phản đối và cho rằng, hoạt động của Trung Quốc “càng làm leo thang căng thẳng và bất ổn ở khu vực”. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario còn bày tỏ quan ngại về khả năng Trung Quốc có thể thiết lập khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Trao đổi với Ngoại trưởng Anh Phillip Hammond, người đang có chuyến thăm và làm việc ở Manila, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng đã kêu gọi sự ủng hộ của Anh trong vấn đề này và nhận được sự đồng tình. Ngoại trưởng Anh còn nhấn mạnh, tự do hàng hải ở Biển Đông là quyền không thể thương lượng và đề nghị các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế và tránh bất kỳ điều gì làm gia tăng căng thẳng. Ông Philip Hammond nói: “Tự do hàng hải và hàng không là không thể thương lượng và có những lằn ranh đỏ mà chúng ta không thể vượt qua”.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thì nói: “Nhật Bản vô cùng quan ngại về hành động của Trung Quốc. Đây là hành động đơn phương thay đổi hiện trạng tại khu vực, biến hoạt động cải tạo đất nhanh chóng và quy mô lớn tại những vùng biển tranh chấp này thành sự đã rồi”.

Trong khi đó, Mỹ cũng rất ráo riết trong vấn đề này. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook hôm 7-1 nói rằng, bất cứ động thái nào làm gia tăng căng thẳng liên quan đến Biển Đông cũng như việc tìm cách quân sự hóa, xây dựng đảo nhân tạo chỉ gây thêm bất ổn. Chính quyền Washington rất lo ngại về việc này và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan thậm chí còn yêu cầu Nhà Trắng phải tăng cường hơn nữa việc duy trì lực lượng hải quân mạnh để tạo sự răn đe đối với Trung Quốc.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 7-1, ông Paul Ryan nói: “Tình hình Biển Đông thời gian qua cho thấy chúng ta cần một lực lượng hải quân mạnh mẽ. Chúng ta không nên lựa chọn phương án giảm số tàu tuần tra ở vùng biển này xuống mức như trước Chiến tranh thế giới lần thứ 1. Lúc này chúng ta phải có biện pháp quân sự mạnh, hải quân mạnh và chính sách ngoại giao thực tế”.

Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh do hải quân Mỹ chụp hồi tháng 5 năm 2015. Ảnh: Reuters.

Ủng hộ quan điểm này của Chủ tịch Hạ viện, ứng viên Tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Marco Rubio tuyên bố, ông sẽ tăng số lượng tàu chiến Mỹ ở khu vực Biển Đông để thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý và hành động sai trái của Trung Quốc trong khu vực này.

Nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã chạy nhiều dòng tít lớn về sự kiện này trong các số báo ra từ ngày 6-1 đến nay. Chẳng hạn, tờ Die Welt của Đức nêu rõ, Trung Quốc đang khiêu khích các nước bằng chuyến bay thử và đáp xuống sân bay ở đảo mà nước này xây dựng trái phép tại Trường Sa của Việt Nam. Tờ Spiegel và Sterm thì nhận định, với hành động này, Bắc Kinh đang làm trầm trọng hơn quan hệ với các nước láng giềng và làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ được sử dụng cho mục đích quân sự là nhằm mục đích thực tế hóa đòi hỏi chủ quyền tới 90% trong tổng diện tích 3,5 triệu km2 ở Biển Đông. Tờ Figaro của Pháp thì cho rằng, đây là “cái bẫy” của Trung Quốc nhằm khép chặt Biển Đông, phục vụ cho tham vọng bành trướng trong khu vực…

Về phía Việt Nam, sau tuyên bố phản đối của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, ngày 8-1, Cục Hàng không Việt Nam cũng vừa chính thức có văn bản gửi Văn phòng Tổ chức hàng không dân dụng thế giới (ICAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông báo về vụ việc một số máy bay hoạt động trong vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh nhưng không liên lạc với cơ quan không lưu phụ trách theo quy định quốc tế về an toàn bay.

Các máy bay này đã cắt ngang các đường hàng không L625, N892 (mực bay từ FL135 đến FL460), M771 (mực bay từ FL250 đến FL460), từ điểm báo cáo DONA đến ALDAS. Hoạt động của các máy bay này đã vi phạm các quy định của ICAO trong Phụ lục 2, Mục 3.3, Phụ lục 11, Mục 2.6, Phụ đính 4; Tập Thông báo tin tức hàng không, Phần ENR, Mục 1.4 của Việt Nam (AIP Vietnam ENR); ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp an toàn đến các hoạt động bay trong khu vực.

Huyền Chi
.
.
.