Sri Lanka và Bangladesh gấp rút sơ tán người dân khỏi khu vực bão lũ

Thứ Ba, 30/05/2017, 20:17

Trận lũ lụt và lở đất kinh hoàng xảy ra trong nhiều ngày gần đây ở Sri Lanka và Bangladesh đã khiến hàng trăm người thương vong và mất tích.


Xung quanh thủ đô Colombo của Sri Lanka, đã xảy ra mưa bão, lũ lụt từ nhiều ngày qua, gây úng ngập khắp một vùng rộng lớn, khiến ít nhất 160 người thương vong cùng hàng trăm người khác mất tích.

Phần lớn các trường hợp tử vong là do bị đất đá chôn vùi. Hơn 1.000 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn do lở đất và nước lũ, có những ngôi nhà ngập từ 3m đến 10m trong nước. Hoạt động giao thông và liên lạc đều bị cô lập.

Làng Dodangoda ở Kalutara, Sri Lanka chìm trong nước ngập (Ảnh: Reuters)

Một khu đất sạt lở ở làng Athwelthota, Kalutara, Sri Lanka (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, tại các khu vực nguy hiểm ở miền Nam và Tây nước này, hơn 20.000 người đã phải sơ tán khẩn cấp do lũ hạ lưu được dự báo sẽ tràn về trong những ngày tới. Mực nước tại một số hồ chứa sử dụng cho thủy điện cũng đang vượt qua mức báo động nguy hiểm.

Hiện Sri Lanka đã ban bố cảnh báo cao nhất về thiên tai đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và các nước láng giềng. Đây là đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử Sri Lanka trong 14 năm nay ảnh hưởng tới hơn nửa triệu người.

Dù khi đợt lũ đã qua đi, những hậu quả được dự báo vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài, khi hàng chục nghìn người đã rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất".

Người dân Bangladesk sơ tán do bão Mora (Ảnh: CNN)

* Bangladesh cũng đang gấp rút nỗ lực để sơ tán gần 1 triệu dân ở các khu vực thấp khi cơn bão nhiệt đới Mora bắt đầu đổ bộ vào bờ biển giữa vùng Bazar và thành phố cảng lớn Chittagong của nước này lúc sáng nay.

Một quan chức của Bangladesh cho biết, nhiều người vẫn đang chờ di tản. Các cơ quan chức năng cũng đã đóng các sân bay và bến cảng ở những khu vực dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo ông Khalid Mahmood, giám đốc Phòng Quản lý Thiên tai, hiện chưa nhận được báo cáo cụ thể về số thương vong cho đến nay, nhưng một số cửa nhà đã bị hư hại và cây cối bị cuốn trôi.

Người dân đang tìm kiếm nơi trú ẩn trong các trường học và các tòa nhà an toàn khác ở 17 quận ven biển. Các quan chức cũng đã thiết lập được 3.800 trung tâm cứu trợ trước khi xảy ra cơn bão.

Theo truyền thông Bangladesh, nhiều nhóm y tế đã được thành lập và các bác sĩ và y tá không được nghỉ phép. Các đội cứu hộ bao gồm các thành viên của lực lượng vũ trang và các cơ quan khác cũng đã sẵn sàng.

Với khoảng 700km bờ biển, Bangladesh thường xuyên phải đối mặt với lốc xoáy và bão tố tàn phá. 

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.
.