Soi dàn khí tài "khủng" của Nga tại lễ Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ

Thứ Tư, 24/06/2020, 16:16
Hơn 200 khí tài cơ giới, 75 máy bay quân sự được triển khai tới tham gia lễ Duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ, trong đó bao gồm những khí tài huyền thoại từ thời Xô viết và những mẫu vũ khí mới nhất của Nga.
Quân đội Nga hôm nay (24/6) tổ chức duyệt binh Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ với sự tham gia của 14.000 binh sĩ, hơn 200 khí tài cơ giới và 75 máy bay quân sự các loại, nhằm tái hiện cuộc duyệt binh huyền thoại ngày 24/6/1945 của những người lính Hồng quân đã đánh bại Đức quốc xã 75 năm trước.
Lễ duyệt binh Chiến thắng thường được tổ chức vào ngày 9/5, thời điểm Phát xít đầu hàng quân Đồng minh theo giờ Nga cách đây 75 năm, song được lùi đến ngày 24/6 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành phút tưởng niệm cho những quân nhân, người dân Liên Xô hi sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Tổng thống Putin nhấn mạnh, chiến thắng trước Phát xít Đức đã tạo điều kiện cho một loạt các nước châu Âu và châu Á xóa bỏ ách thống trị, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. Theo nhà lãnh đạo Nga, đúng 75 năm sau Ngày Chiến thắng, một cuộc khủng hoảng mới về y tế, kinh tế do dịch COVID-19 gây ra trên toàn cầu một lần nữa đòi hỏi tinh thần đoàn kết - giống như đã từng có giữa các nước đồng minh trong Thế chiến II.
Sau bài phát biểu của Putin, một loạt pháo chào mừng được khai hỏa đánh dấu buổi lễ duyệt binh bắt đầu.
Hơn 14.000 quân nhân Nga cùng các binh sĩ đến từ 12 nước, gồm các quốc gia SNG và Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ và Serbia tiến qua lễ đài. Trong ảnh là các nữ quân nhân Nga tại buổi lễ duyệt binh.
Khi luyện tập, các quân nhân Nga đeo khẩu trang và mang găng tay để ngăn khả năng lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, trong lễ Duyệt binh chính thức, họ xuất hiện trang nghiêm như thông thường mà không có thiết bị bảo hộ. Phía Nga khẳng định tất cả binh sĩ tham gia duyệt binh đều được xét nghiệm âm tính với virus.
Trong khuôn khổ lễ duyệt binh của quân đội Nga năm nay có bao gồm phần trình diễn của các và vũ khí như thời Chiến tranh Thế giới II.
Binh sĩ Ấn Độ tiến qua Quảng trường Đỏ trong lễ Duyệt binh ngày 24/6. Các quân nhân Ấn Độ đã được triển khai tới Moscow từ trước vài ngày để tham gia tập luyện cùng các binh sĩ Nga.
Sau phần trình diễn của các quân nhân, như thường lệ, Nga đã phô diễn sức mạnh vũ khí vượt trội. Năm nay, đoàn khí tài cơ giới được dẫn đầu bởi thế hệ xe tăng huyền thoại T-34-85. T-34-85 có khối lượng 26,5 tấn, tốc độ tối đa 53km/h. Vũ khí trang bị gồm có 1 pháo chính cỡ nòng 76,2mm (phiên bản T-34-85 sử dụng pháo chính cỡ nòng 85mm), 2 súng máy 7,62mm. Đây là vũ khí đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn Thế chiến II.
Không thể thiếu trong lễ duyệt binh là xe tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M. Đây được xem là quân bài răn đe hạt nhân quan trọng của Nga. Topol-M có thể mang đầu đạn với sức công phá 800 kiloton, tương đương với 800.000 tấn thuốc nổ TNT, tầm bắn 11.000km.
Các khẩu đội tên lửa phòng không S-300V4 tiến qua Quảng trường Đỏ. S-300V4 là tổ hợp lá chắn tên lửa đạn đạo (ABM) dành cho lục quân được Nga biên chế từ năm 2013. Đây là lần đầu chúng được triển khai tới tham gia lễ duyệt binh. Mẫu tên lửa phòng thủ này được phát triển trên nền tảng hệ thống S-300VM "Antey-2500", được thiết kế tối ưu cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. S-300V4 sử dụng đạn 9M82M và 9M83M, có vận tốc siêu thanh, và tầm bắn đạt tối đa 400km.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-73B3. Đây là dòng tăng nâng cấp sâu từ mẫu T73 đời cũ , có khả năng chịu đựng tới 10-15 phát đạn và mìn chống tăng. Các nguồn tin quân sự nói rằng modul mới trên mẫu xe tăng cho phép chiếc nó hoạt động độc lập, theo nhóm hoặc bán tự động.
Thiết giáp BMD-4M hiện đại nhất của quân đội Nga xuất hiện tại lễ Duyệt binh. BMD-4M có trọng lượng nhẹ, được thiết kế để thả dù từ máy bay vận tải cùng kíp lái bên trong. Hỏa lực chính của BMD-4M là pháo nòng xoắn 2A70 100mm có thể tiêu diệt hiệu quả mục tiêu với đạn thông thường ở cự ly 7km. Nó cũng được tích hợp khả năng phóng tên lửa chống tăng tự dẫn lade 9M117M1 Arkan với tầm bắn 5,5km.
Tên lửa phòng không Pantsir-SA tiến qua Quảng trường Đỏ. Mẫu tên lửa này được Nga tối ưu hóa để tác chiến ở địa hình Bắc Cực, phục vụ tham vọng kiểm soát khu vực đầy tiềm năng này của Moscow. Pantsir-SA sở hữu 18 ống phóng tên lửa đối không 57E6, có thể tấn công 18 mục tiêu trong vòng một phút ở khoảng cách tối đa 20 km và độ cao 5-15.000 m.
Pháo phản lực phóng loạt sử dụng đạn nhiệt áp TOS-2, được nâng cấp từ dòng TOS-1A. Mẫu pháo được trang bị 24 ống phóng cỡ nòng 220mm, đặt trên thế hệ khung gầm tăng T-90. TOS-2 có vai trò áp chế hỏa lực mặt đất của đối phương nhờ khả năng phóng đạn nhanh và chính xác.
Thế hệ thiết giáp Typhoon VDV nâng cấp của Nga. Xe có khả năng kháng bom và chở theo từ 6-12 binh sĩ cùng đầy đủ trang thiết bị. Thế hệ thiết giáp này mới hoàn thành thử nghiệm năm 2019 và dự kiến trở thành phương tiện chủ chốt vận chuyển binh sĩ Nga trên các chiến trường.
Thế hệ thiết giáp chiến đấu Terminator của Nga trên Quảng trường Đỏ. Xe được thiết kế dựa trên kinh nghiệm tác chiến thuật của quân đội Nga ở các chiến trường Afghanistan và Chechnya, nơi xe tăng Nga bị hư hại nghiêm trọng do hệ thống chống tăng và hệ thống tên lửa. Xe có 2 pháo tự động 2A42 30 mm, 4 tên lửa chống tăng, súng máy và súng phóng lựu. BMPT-72 cũng được trang bị thiết bị nhìn đêm, hệ thống dò tìm bằng tia laser tầm xa và hệ thống tên lửa dẫn đường bằng tia laser.
Sau phần trình diễn của khí tài cơ giới mặt đất, 75 máy bay quân sự của Nga tiến qua Quảng trường Đỏ, tượng trưng cho 75 năm Ngày Chiến thắng. Đi đầu đoàn máy bay quân sự là các thế hệ trực thăng Mi-26 và Mi-8 huyền thoại.
Phi đội cường kích Su-25 gây chú ý với màn nhả khỏi theo hình cờ Nga. Su-25 là cường kích yểm trợ hỏa lực tầm gần cho lực lượng mặt đất do Liên Xô phát triển, chuyên được dùng tấn công các mục tiêu thiết giáp, cứ điểm của địch. Chiếc máy bay có buồng lái bọc titan để tăng khả năng sống sót cho phi công nên được gọi là xe tăng bay. Mỗi chiếc Su-25 mang được tối đa 5 - 6 tấn vũ khí qua 10 giá treo dưới hai cánh gồm một pháo nòng đôi cỡ 30mm, bom dẫn đường, rocket cỡ nòng từ 57-340 mm.
Máy bay Tu-160 nhận tiếp liệu từ vận tải cơ Il-76. Tu-160 là máy bay ném bom mạnh nhất, có khả năng triển khai nhiều bom nhất thế giới. Mẫu Tu-160M nâng cấp có tầm bay trên 12.000km, tức có thể vươn tới hầu khắp mọi khu vực trên thế giới.
Tu-160 bay cùng máy bay ném bom Tu-22M3. Tu-22M3M là phiên bản nâng cấp tối tân của dòng oanh tạc cơ chiến lược Tu-22M3, được Liên Xô đưa vào hoạt động từ năm năm 1983, với chức năng chủ yếu là tiêu diệt các biên đội tàu sân bay của đối thủ. Nga hiện sở hữu khoảng 500 máy bay loại này trên các sân bay khắp đất nước.

Ảnh: Ria Novosti, Sputnik, Reuters
Thiện Nhân
.
.
.