Số người nhiễm COVID-19 toàn cầu vượt mốc 6 triệu

Thứ Bảy, 30/05/2020, 09:18
Đúng 5 tháng từ khi khởi phát ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, dịch COVID-19 đến nay đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ra cái chết của hơn 366.000 người trong tổng số 6 triệu ca nhiễm.

Số người nhiễm COVID-19 toàn cầu vượt mốc 6 triệu. Ảnh: ITN

Thống kê trên Worldometer tính đến 9h sáng nay (30/5) cho thấy dịch COVID-19 đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với số ca nhiễm lên đến 6.030.294, trong đó 366.809 ca đã tử vong, với Mỹ là vùng dịch lớn nhất, nơi báo cáo gần 1,8 triệu người mắc và 104.000 người chết.

Dù số ca nhiễm mới rất cao, khoảng 25.000 ca mỗi ngày, song giới chức Mỹ tin rằng tình hình đã hạ nhiệt. Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở những mức độ khác nhau nhằm cứu vãn nền kinh tế, vốn chịu tác động nặng nề bỏi dịch bệnh.

Vùng dịch lớn thứ hai thế giới Brazil ghi nhận ca nhiễm hàng ngày tăng kỷ lục với 29.526 ca nâng tổng số người nhiễm lên 468.338. Số người thiệt mạng vì dịch ở quốc gia Nam Mỹ là 29.944 ca, đứng thứ 5 thế giới sau Mỹ, Anh,Italia, Tây Ban Nha và Pháp.

Các chuyên gia y tế đều cảnh báo tình hình thực tế ở Brazil tệ hơn nhiều báo cáo chính thức, với số người nhiễm có thể đã vượt mốc ba triệu. Brazil hiện chưa có chiến lược chống dịch thống nhất do Tổng thống nước này Jair Bolsonaro coi COVID-19 chỉ như một loại "cúm nhỏ".

Nga, vùng dịch thứ ba thế giới, thì đang chứng kiến những dấu hiệu tích cực khi số người nhiễm mới COVID-19 theo ngày đã giảm xuống chỉ còn hơn 8.500 ca. Tổng số người bệnh ở Nga là 387.623 ca, trong đó 4.374 người thiệt mạng -  tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây.

Hôm 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow, tâm dịch tại Nga, "đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất" và sẽ nới phong tỏa kể từ ngày 1/6.

Ở châu Âu, các "điểm nóng" dịch bệnh như Italia, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Đức tự tin khẳng định đã vượt đỉnh dịch. Các nước châu Âu đều đã hoặc sắp nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tổng số người nhiễm COVID-19 ở châu lục, không tính Nga, vào khoảng 1,6 triệu người, trong đó gần 168.000 người tử vong.

Dịch có dấu hiệu hạ nhiệt ở châu Âu, nhưng diễn biến khó lường tại một số nước châu Á và Mỹ Latinh. Peru, vùng dịch lớn thứ hai tại Nam Mỹ, tâm dịch mới của thế giới, báo cáo đến 148.285 ca nhiễm và 4.230 ca tử vong, tăng lần lượt 6.506 và 131 trường hợp sau một  ngày.

 Peru áp lệnh phong tỏa từ ngày 16/3, là một trong những nước áp lệnh phong tỏa sớm nhất Mỹ Latinh, và dự định kéo dài đến hết tháng 6, song các biện pháp phong toả bị nhiều người dân phớt lờ.

Một số quốc gia khác ở khu vực Chile, Mexico, Argentina cũng đang chứng kiến ca nhiễm COVID-19 tăng liên tục, đặc biệt ở các khu ổ chuột.

Tại Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 173.491 ca nhiễm và 4.980 ca tử vong, tăng lần lượt 8.105 và 269 ca sau 24h gần nhất. Chính quyền Ấn Độ quyết định đóng cửa trường học, quán bar và nhà hàng đóng đến hết tháng 5 này và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình hình không cải thiện.

Ở Đông Nam Á, Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 33.860 ca nhiễm nhưng chỉ báo cáo 23 ca tử vong. Indonesia xếp thứ hai với 25.216 ca nhiễm và 1.520 người chết. Philippines đứng thứ ba với 16.634 ca nhiễm, 942 ca thiệt mạng.

Thiện Nhân
.
.
.