Saudi Arabia đột ngột ngừng đối thoại vì Qatar "bóp méo sự thật"
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau thông tin về cuộc điện thoại giữa lãnh đạo hai nước, theo đó đề xuất một bước đột phá trong cuộc tranh chấp vùng Vịnh.
Trước đó, Reuters đưa tin, Hoàng tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đã nhận được cuộc điện thoại của Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani hôm 8-9 với mong muốn cùng thảo luận về cuộc tranh chấp vùng Vịnh.
Hoàng tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. Ảnh: Reuters/EPA |
Hãng thông tấn nhà nước SPA của Saudi Arabia cho hay: "Trong cuộc điện đàm, Quốc vương Qatar bày tỏ mong muốn của ông về việc tiến hành đối thoại và thảo luận về những yêu cầu của 4 nước để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên".
Cơ quan thông tấn QNA của Qatar cũng thuật lại cuộc điện đàm dựa trên sự hợp tác của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vừa trò chuyện với Quốc vương Qatar.
Song theo The Guardian, chỉ vài giờ sau đó, Saudi Arabia đã đưa ra tuyên bố thứ hai phủ nhận thông tin của QNA.
"Những gì thông báo trên hãng Thông tấn của Qatar là sự tiếp tục bóp méo sự thật", SPA trích lời quan chức Saudi Arabia khẳng định.
"Saudi Arabia tuyên bố đình chỉ bất kỳ cuộc đối thoại hoặc giao tiếp nào với chính quyền Qatar cho tới khi một quyết rõ ràng về vị trí của Qatar được ban hành", SPA tuyên bố.
Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh vẫn đang vo cùng căng thẳng. Ảnh: Jpost |
Trong một động thái có liên quan, ngày 8-9, 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã ra tuyên bố không công nhận những bước tiến trong quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh nhờ nỗ lực trung gian hòa giải của Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al Ahmad Al Sabah, theo đó bày tỏ sự nghi ngờ đối với tuyên bố của Quốc vương Sheikh Sabah Al Ahmad Al Sabah nói rằng Qatar sẵn sàng thảo luận về bản yêu sách gồm 13 điểm mà họ đưa ra đối với Qatar.
Theo bốn nước Arab, Qatar không nên áp đặt bất kỳ điều kiện nào với việc thảo luận bản yêu sách, đồng thời việc lựa chọn giải pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh sẽ không được xem xét trong bất kỳ trường hợp nào.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các quốc gia vùng Vịnh đã kéo dài 3 tháng kể từ khi 4 nước Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Ai Cập ngày 5-6 tuyên bố cắt quan hệ kinh tế và ngoại giao với Qatar với cáo buộc quốc gia này đã tài trợ tiền cho các nhóm Hồi giáo cực đoan và có quan hệ quá gần gũi với Iran.
Qatar bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tố ngược lại 4 quốc gia láng giềng đã xâm phạm chủ quyền của họ.