Quốc tế phản ứng trái chiều với thỏa thuận hòa bình Israel - Morocco

Thứ Sáu, 11/12/2020, 15:54
Quyết định của Morocco bình thường hóa quan hệ với Israel trong một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trên toàn cầu.
Thỏa thuận hòa bình Israel - Morocco do Mỹ "môi giới". Ảnh Getty Images. 

Ngày 10/12, Morocco trở thành quốc gia Arab thứ tư kể từ tháng 8 đạt được thỏa thuận nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel, sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Bahrain và Sudan.

Theo một phần của thỏa thuận, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý công nhận chủ quyền của Morocco đối với Tây Sahara, nơi đã có tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ giữa Morocco với Mặt trận Polisario do Algeria hậu thuẫn.

Phía Palestine đã chỉ trích các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ này, nói rằng các nước Arab đã kéo lùi sự nghiệp hòa bình bằng cách từ bỏ yêu cầu lâu nay rằng Israel phải nhường đất cho nhà nước Palestine trước khi nước này được công nhận.

Bassam al-Salhi, một thành viên của Ủy ban điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine, đã lên án thỏa thuận này. “Bất kỳ sự rút lui nào của người Arab khỏi Sáng kiến ​​Hòa bình Arab 2002, quy định rằng việc bình thường hóa chỉ diễn ra sau khi Israel chấm dứt việc chiếm đóng các vùng đất của người Palestine và Arab, là không thể chấp nhận được và làm tăng lòng hiếu chiến của Israel và từ chối các quyền của người dân Palestine”, ông al-Salhi nhấn mạnh.

Tại Gaza, phát ngôn viên của Hamas, Hazem Qassem cho rằng đây là “một tội lỗi và nó không phục vụ người dân Palestine”. “Sự chiếm đóng của Israel sử dụng mọi biện pháp bình thường hóa mới để tăng cường gây hấn với người dân Palestine và tăng cường mở rộng lãnh thổ”.

Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, quốc gia có một hiệp ước hòa bình với Israel từ năm 1979, hoan nghênh thông báo này. Ông El-Sisi ca ngợi thỏa thuận này là “bước quan trọng hướng tới sự ổn định hơn và hợp tác khu vực” ở Trung Đông.

Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Arancha Gonzalez Laya hoan nghênh thông báo này nhưng phản đối việc ông Trump công nhận Tây Sahara là một phần lãnh thổ của Morocco.

“Chúng tôi hoan nghênh việc bình thường hóa quan hệ giữa Morocco và Israel vì chúng tôi đã hoan nghênh từng bước bình thường hóa đã diễn ra trong những tuần gần đây”, bà Laya nói.

“Về hòa bình giữa người Israel và người Palestine, đó vẫn là một vấn đề cần giải quyết. Và vấn đề về Tây Sahara vẫn phải được xem xét. Trong cả hai vấn đề, quan điểm của Tây Ban Nha rất rõ ràng về việc các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) cần được xem xét như một cách để giải quyết”, Ngoại trưởng Tây Ban Nha nói thêm.

Tây Ban Nha là nước từng chiếm đóng ở Tây Sahara cho đến năm 1975 trước khi quốc gia này giao lại quyền kiểm soát hành chính cho Morocco và Mauritania quản lý chung.

Sau thông báo, LHQ cho biết lập trường của họ “không thay đổi” đối với khu vực tranh chấp Tây Sahara.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tin rằng “giải pháp cho vấn đề vẫn có thể được tìm ra dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”, người phát ngôn của ông Guterres cho biết.

Thông điệp của người đứng đầu LHQ đối với hai bên “là tránh bất kỳ hành động nào có thể làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng”.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.