Truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA
- Việt Nam trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu kỷ lục
- Dấu ấn Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008-2009
- Việt Nam trong Hội đồng Bảo an: Đối tác vì một nền hòa bình bền vững
Đánh giá cao vai trò của Việt Nam
Các hãng thông tấn lớn như Kyodo (Nhật Bản), Tân Hoa Xã (Trung Quốc), hay Business Standard (Ấn Độ) ... đều đề cập tới việc Việt Nam, ứng cử viên duy nhất đại diện 54 nước châu Á - Thái Bình Dương lần này trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu kỷ lục (192/193).
Cụ thể, trong bài viết với tựa đề “Việt Nam được bầu làm thành viên mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, tờ Kyodo thông báo, Việt Nam đêm 7-6 (giờ Việt Nam) đã được bầu để thay thế Kuwait đảm nhận vị trí quan trọng này. Kyodo nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia luôn theo đuổi các chính sách hòa bình và không phát triển vũ khí sau khi trải qua chiến tranh.
Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp quốc bày tỏ sự vui mừng khi Việt Nam được công bố trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Ảnh chụp màn hình. |
Bài viết có đoạn: “Để chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu, Việt Nam đã vận động trên một số vấn đề chính như thúc đẩy ngoại giao phòng ngừa, vốn đưa quốc gia Đông Nam Á này lên bản đồ thế giới khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy nhân quyền, cùng các vấn đề khác”.
Trong bài viết đưa tin về kết quả bỏ phiếu bầu 5 Ủy viên không thường trực của Hội đồng an Liên Hợp quốc, hãng tin AP cho hay ngoài Việt Nam thì 4 quốc gia cũng đắc cử vị trí này gồm Niger, Tunisia, Estonia và quốc đảo Caribe St. Vincent & Grenadines.
“Các quốc gia thường lên kế hoạch trong nhiều năm để vận động cho một vị trí. Vị trí này có thể nâng cao vị thế của một quốc gia trên trường quốc tế và quốc gia đó sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề cấp bách nhất liên quan tới hòa bình và an ninh thế giới”, AP đưa tin.
Hội đồng Bảo an được xem là cơ quan quan trọng nhất trong hoạt động của Liên Hợp quốc, với vai trò giải quyết các xung đột và khủng hoảng có thể tạo thành mối đe dọa với hòa bình, an ninh quốc tế. Việc Việt Nam được chọn làm ứng viên duy nhất đại diện 54 nước châu Á - Thái Bình Dương lần này cho thấy các nước đánh giá cao vai trò và năng lực của Việt Nam.
Cơ hội tốt cho cả Việt Nam và ASEAN
Nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an còn trùng với giai đoạn Việt Nam giữ ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020 nên càng mang nhiều ý nghĩa to lớn. Ảnh: enternews. |
Nhiều học giả quốc tế nhìn nhận Việt Nam thu hút sự ủng hộ vì không chỉ chủ trương tập trung vào các vấn đề nội bộ tại Đông Nam Á mà còn quan tâm đến các vấn đề bên ngoài khu vực. Trong bài viết trên tạp chí Giám sát Địa chính trị Geopolitical Monitor, tác giả James Borton nhận định tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế đã gia tăng đáng kể từ hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng cuối năm 2017.
Trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam được toàn cầu công nhận là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và Việt Nam đã hiểu được vai trò trung tâm của Liên Hợp quốc có ý nghĩa quan trọng thế nào trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Theo tác giả, với tư cách Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng của mình tại ASEAN, thúc đẩy ngoại giao mềm và nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên trì theo đuổi con đường hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, nhiệm kỳ Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an còn trùng với giai đoạn Việt Nam giữ ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020 nên càng mang nhiều ý nghĩa to lớn đối với vị thế của đất nước trong khu vực và quốc tế. Việc Việt Nam cùng lúc đảm nhận 2 vai trò sẽ mở ra cơ hội cho các nước ASEAN trên diễn đàn quốc tế.
Theo quy định, Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kể từ ngày 1-1-2020.