Việt Nam trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ với số phiếu kỷ lục

Thứ Sáu, 07/06/2019, 22:29

Với số phiếu khá cao (192/193 phiếu ủng hộ), Việt Nam đã trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam sẽ thay thế Kuwait tại Hội đồng Bảo an LHQ từ ngày 1-1-2020.

Phiên bỏ phiếu bầu ra 5 Uỷ viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an LHQ tại New York ngày 7-6. Ảnh TG&Việt Nam! 

Cuộc bỏ phiếu bầu 5 Uỷ viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ) tối 7-6, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 73 của Đại hội đồng LHQ. Việt Nam là đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương. Đoàn công tác Bộ Ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Lê Hoài Trung dẫn đầu đã tham dự khoá họp và cuộc bỏ phiếu.

Đúng 22h10 ngày 7-6 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa Garces thông báo Việt Nam đã đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với tỷ lệ ủng hộ là 192/193 phiếu.

Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, cả khán phòng Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã vỗ tay chúc mừng Việt Nam đắc cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Với kết quả trên, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait tại Hội đồng Bảo an LHQ từ ngày 1-1-2020.

LHQ là tổ chức quốc tế gồm 193 thành viên, ra đời với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh thế giới, đồng thời phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các thành viên.

Hội đồng Bảo an LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. Khác với 5 cơ quan còn lại, các quyết định của Hội đồng Bảo an có tính cưỡng chế thực hiện thay vì chỉ mang tính khuyến nghị. Vì vậy Hội đồng Bảo an là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ.
Khán phòng vỗ tay chúc mừng phái đoàn Việt Nam tại LHQ (Ảnh chụp màn hình)

Hội đồng Bảo an có 15 thành viên với 5 ủy viên thường trực là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ cùng 10 ủy viên không thường trực được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới được bầu. Điều đáng lưu tâm là so với 5 nước thành viên thường trực, các vị trí ủy viên không thường trực thậm chí còn được đánh giá cao hơn về uy tín do phải trải qua quá trình bỏ phiếu.

Việt Nam từng có nhiệm kỳ đầu tiên với tư cách Ủy viên không thường trực của cơ quan quyền lực nhất LHQ năm 2008-2009. Khi đó, Việt Nam đã để lại những đóng góp, dấu ấn quan trọng được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Lần này, với việc trúng cử với số phiếu gần như tuyệt đối, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy vai trò và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.

Hiện, Việt Nam đã đưa ra 7 ưu tiên chính trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an 2020-2021 là: ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương; cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VII của Hiến chương; bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang; phụ nữ, hòa bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang; giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội; các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ; tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh.

H.Chi
.
.
.