Mỹ bật "chế độ thám tử" vì ca nhiễm COVID-19 hy hữu
Bệnh nhân California được chuyển đến trung tâm y tế nhưng không rõ nguồn lây. Ảnh Getty Images. |
Các quan chức y tế của bang California ngày 27/2 cho biết họ đang cố gắng tìm ra câu trả lời thông qua phương pháp “truy tìm liên lạc”, một quá trình mà trong đó theo dõi bất cứ ai trong những tuần qua có thể có tiếp xúc với bệnh nhân, một người phụ nữ mà danh tính vẫn đang được giữ bí mật.
Được biết, người phụ nữ này cư dân của quận Solano, California, không có phơi nhiễm với virus thông qua du lịch hoặc tiếp xúc gần gũi với một người nhiễm bệnh đã biết.
Bác sĩ Sonia Angell, Giám đốc Sở Y tế Công cộng bang, cho biết tại một buổi họp báo ngày 26/2 rằng khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19, các quan chức y tế địa phương, bang và liên bang đã “liên hệ với bất kỳ cá nhân nào có thể đã bị phơi nhiễm và cách ly những người này”. Bà Angell nhấn mạnh rằng trong thời điểm này, “rủi ro với cộng đồng còn thấp”, nhưng không nói rõ về số người đang được theo dõi.
Đây không phải ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Mỹ, nhưng lại là trường hợp hy hữu khi bệnh nhân này không hề có mối liên hệ rõ ràng nào với bệnh nhân khác.
Các chuyên gia cho biết trong trường hợp này, “truy tìm liên lạc” là biện pháp thích hợp để ngăn chặn “sự lây lan ra cộng đồng”, khi virus bắt đầu “lưu hành” trong cộng đồng địa phương và nguồn lây nhiễm không được xác định.
Tuy nhiên, biện pháp này chỉ khả thi trong một số tình huống. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến các thách thức mà các quan chức y tế đang phải đối mặt trong ca này, cũng như những trường hợp khác trong tương lai mà không có mối quan hệ nào tới Trung Quốc, nơi được coi là nguồn khởi phát của bệnh Covid-19.
Biện pháp “truy tìm liên lạc” này bao gồm việc phỏng vấn các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp hoặc bất kỳ ai có “tiếp xúc gần gũi và kéo dài” với bệnh nhân, khoảng 1,8 mét trong một khoảng thời gian, theo bác sĩ Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An ninh Y tế tại Trường Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg.
Tùy thuộc vào đời sống cá nhân của người đó mà số người tiếp xúc có thể lớn hoặc nhỏ. Biện pháp này khá chuyên sâu và đòi hỏi nhiều nguồn lực y tế công cộng.
Ngay cả trong trường hợp bệnh nhân ở California, có thể có những khó khăn nhất định. Theo Trung tâm y tế UC Davis, nơi bệnh nhân đang được điều trị, người phụ nữ đã được chuyển từ một bệnh viện khác trong tiểu bang và được đặt nội khí quản bằng máy thở. Dù giúp bệnh nhân có thể thở, hệ thống này sẽ khiến bệnh nhân khó hoặc không thể giao tiếp, Tiến sĩ Frank Esper, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Bệnh viện Nhi đồng Mỹ cho biết. Trong những tình huống đó, các quan chức y tế thường tìm đến các thành viên gia đình.
Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ được hỏi về những dấu hiệu như do, sốt hay khó thở, các triệu chứng được cho là có liên quan đến cúm và các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác thường thấy trong năm qua. Tuy vậy, những người có triệu chứng có liên quan sẽ được sàng lọc và một số người khác sẽ được khuyên tự cách ly tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Kể cả khi cho kết quả âm tính, các cơ sở y tế có thể sàng lọc lại các liên hệ của bệnh nhân trong tương lai.
Nguy cơ do virus Corona mới đối với công cộng tại Mỹ nói chung vẫn khá thấp, trong khi các bệnh viện tại Mỹ đã chuẩn bị trong nhiều tuần để tiếp nhận các bệnh nhân gặp các triệu chứng nghiêm trọng trong bối cảnh số ca mắc bệnh trên khắp thế giới tăng lên hơn 81.000.
Khi bệnh nhân đến viện vào ngày 19/2, nhân viên tại trung tâm UC Davis nghi ngờ rằng người phụ nữ này có thể bị nhiễm virus Corona và có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ nhân viên và các bệnh nhân khác, trung tâm y tế cho biết. Nhưng ban đầu, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã từ chối kiểm tra bệnh nhân này về Covid-19 vì bệnh nhân “không mang triệu chứng phù hợp tiêu chí của CDC hiện có về Covid -19”.