Ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất lịch sử Nhật Bản

Thứ Tư, 20/11/2019, 16:03
Ngày 20-11 đánh dấu ngày làm việc thứ 2.887 của ông Shinzo Abe trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, và cũng đánh dấu ngày ông trở thành Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử nước này.

Vào năm 2006, ở độ tuổi 52, ông Shinzo Abe trở thành Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đồng thời trở thành Thủ tướng trẻ nhất Nhật Bản thời hậu chiến. Mặc dù vậy, một năm sau, ông từ chức vì lý do sức khỏe. 

Cuối năm 2012, ông trở lại chính trường và chính thức nắm quyền Thủ tướng lần thứ 2, với cam kết sẽ hồi sinh nền kinh tế Nhật bản sau 2 thập kỷ trì trệ, củng cố quân đội và sửa đổi Hiến pháp.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Getty

Kết hợp cả 2 nhiệm kỳ, ông đã đảm nhận vị trí Thủ tướng trong 2.887 ngày tính đến ngày 20-11, vượt qua kỷ lục của cựu Thủ tướng Nhật Bản Taro Katsura. Trước đó, ông Taro Katsura từng có 3 nhiệm kỳ giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản trong giai đoạn từ năm 1901-1913.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng đồng thời là nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu thứ hai trong số các nhà lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7), chỉ sau Thủ tướng Đức Angela Merkel, người nhậm chức Thủ tướng từ năm 2005.

Nhận định về những đóng góp của ông Abe, ông Tobias Harris, chuyên gia về chính trị Nhật Bản tại tổ chức tư vấn Tình báo Teneo có trụ sở ở Washington (Mỹ) cho rằng: "Nhiệm kỳ của ông Abe đã biến Nhật Bản trở thành một vùng đất của ổn định chính trị, kể cả khi các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến khác đang đối diện với những chính phủ yếu kém, ngắn hạn và không được lòng dân". 

Trong khi đó, ông Shinichi Nishikawa, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Meiji ở Tokyo khẳng định, Thủ tướng Shinzo Abe và những thành tựu của ông chắc chắn sẽ đi vào lịch sử, mặc dù những cơ hội hiện thực hóa toàn bộ tham vọng của ông là rất mong manh.

Ông Abe sẽ kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vào tháng 9- 2021. Trong một phát biểu ngày 20-11, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ nỗ lực hết mình trong phần còn lại của nhiệm kỳ để thực hiện các mục tiêu mà ông nung nấu, trong đó bao gồm việc sửa đổi Hiến pháp và một số vấn đề ngoại giao.

An Nhiên
.
.
.