Chiến dịch cải tổ nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Thứ Năm, 04/10/2018, 07:57
Hôm 2-10, tức 12 ngày sau khi đắc cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền nhiệm kỳ 3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố cải tổ nội các và cải tổ cả ban lãnh đạo LDP.

6 cũ, 12 mới

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi nội các mới chính thức ra mắt tại Hoàng cung vào tối 2-10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Để có một khởi đầu mạnh mẽ với mục tiêu xây dựng một quốc gia mới, tôi đã tiến hành cuộc cải tổ nội các hôm nay”. 

Gửi lời cảm ơn tới các đảng phái đã ủng hộ cuộc cải tổ nội các lớn nhất từ trước đến nay, ông Shinzo Abe cho biết, lần này, ông chỉ bổ nhiệm một phụ nữ và một thành viên của đối tác liên minh cầm quyền vào nội các. 

Tổng cộng, nội các Nhật Bản có 18 thành viên trong đó có 12 Bộ trưởng mới được đưa vào chính quyền mới. 

6 Bộ trưởng cũ được Thủ tướng Shinzo Abe giữ lại gồm: Bộ trưởng Tài chính Taro Aso; Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga; Bộ trưởng Ngoại giao Taro Kono; Bộ trưởng Thương mại Hiroshige Seko; Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Giao thông Keiichi Ishii. 

Trong số các thành viên mới của nội các đáng chú ý có Bộ trưởng Y tế Takumi Nemoto, Bộ trưởng Phục hồi khu vực Satsuki Katayama - đồng thời là thành viên nữ duy nhất trong chính phủ và Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya. 

Nội các mới của Thủ tướng Shinzo Abe đã ra mắt tối 2-10. Ảnh: Getty

Năm nay 61 tuổi, ông Takeshi Iwaya là một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm, từng đảm nhiệm vị trí Thứ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao. Ông được Thủ tướng Shinzo Abe chọn để thay vào vị trí của ông Itsunori Onodera – người mới được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 8-2017. 

Theo nhiều nguồn tin, ông Takeshi Iwaya được coi là cánh tay phải của ông Shinzo Abe trong chiến lược kêu gọi Quốc hội ủng hộ việc tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản trong các lĩnh vực như: an ninh hàng hải, an ninh mạng và không gian vũ trụ.

Tờ The Nikkeii đưa tin, hôm 20-9, Thủ tướng Shinzo Abe đã giành chiến thắng và tiếp tục giữ chức Chủ tịch đảng LDP nhiệm kỳ 3. Đối thủ duy nhất của ông trong cuộc bầu cử là Shigeru Ishiba, cựu Tổng thư ký LDP.  

Trong cuộc bầu cử, Thủ tướng Shinzo Abe dễ dàng đánh bại ông Shigeru Ishida với 553/807 phiếu ủng hộ, qua đó tiếp tục giữ ghế lãnh đạo đảng cầm quyền. Và dù ông Shigeru Ishiba là đối thủ nặng ký của mình trong cuộc bầu cử, song đương kim Thủ tướng Nhật lại sẵn lòng tập hợp những người cùng chiến tuyến với ông này. 

Chẳng hạn, ông Takshi Yamashita, người được coi là thành viên của phe Shigeru Ishiba đã được mời làm Bộ trưởng Tư pháp. Ông Takshi Yamashita là người có uy tín cao đối với các đảng đối lập ở Nhật Bản và là nhân vật thể hiện rõ sự phản đối với kế hoạch mà ông Shinzo Abe đưa ra về việc di dời căn cứ không quân, thuỷ quân lục chiến Mỹ Futenma từ Ginowan ở miền Trung Okinawa tới quận Henoko ở Nago, miền Bắc Okinawa. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Shinzo Abe cũng tập hợp cả một số nhân vật thuộc phe phái của Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai vào nội các mới của mình. Như ông Takamori Yoshikawa được trao vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp trong khi ông Yoshitaka Sakurada được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách Olympic và Paralympic Tokyo 2020...

Cũng trong ngày 2-10, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã công bố Ban lãnh đạo mới của đảng LDP trong đó giữ nguyên 2 trên 4 vị trí là Tổng thư kí Toshihiro Nikai và Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách Fumio Kishida, đồng thời bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Y tế Phúc lợi Katsunobu Kato giữ chức Chủ tịch Hội đồng chung và ông Akira Amari giữ chức Chủ tịch Ủy ban chiến lược bầu cử.

Và “sứ mệnh” thay đổi hiến pháp

Giới quan sát nhận định, mục tiêu của cuộc cải tổ nội các lần này là tập trung ổn định chính trị giữa lúc ông Shinzo Abe đang thúc đẩy thông qua đề xuất gây tranh cãi về sửa đổi hiến pháp hoà bình 1947. Lần cải tổ nội các này cũng được xem là sự chuẩn bị cho một loạt cuộc bầu cử địa phương và bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra vào năm 2019. 

Hãng Kyodo ngày 3-10 đã có bài viết bình luận rằng, sau động thái cải tổ, Thủ tướng Nhật Bản phải bắt tay ngay vào việc giải quyết một loạt thách thức về đối nội và đối ngoại, trong đó đáng kể nhất là cuộc đàm phán thương mại song phương với Mỹ, giải quyết tranh chấp trên biển với Nga, vấn đề ở bán đảo Triều Tiên... 

Tiếp đó là nhiệm vụ duy trì đà tăng trưởng để Nhật Bản có thể tăng thuế bán hàng từ 8% lên 10% vào tháng 10-2019, tiến tới hiện thực hóa kế hoạch xây dựng "một hệ thống an sinh xã hội mang lại lợi ích cho tất cả các thế hệ”. 

Một vấn đề khác cũng khá nhạy cảm, vốn được coi là “thách thức lớn nhất” đối với ông Shinzo Abe là “sứ mệnh” thay đổi Điều 9 trong hiến pháp hoà bình năm 1947 của Nhật Bản: “Thành thực mong muốn hoà bình quốc tế dựa trên công lý và trật tự, người dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh như là quyền chủ quyền quốc gia và việc đe doạ hay sử dụng vũ lực như là phương thức để giải quyết tranh chấp quốc tế… Các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không cũng như các lực lượng có tiềm năng gây chiến khác sẽ không bao giờ được duy trì nữa. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”.

Theo quan điểm của Thủ tướng Shinzo Abe, môi trường an ninh quanh Nhật Bản đang diễn biến phức tạp với tốc độ “nhanh hơn nhiều” so với thời điểm 5 năm trước và tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. 

Nhật Bản sẽ không thể bảo vệ an ninh quốc gia trước các mối đe dọa nếu suy nghĩ chỉ ở mức giới hạn trong các lĩnh vực thông thường như trên bộ, trên biển và trên không. 

Thay vào đó, việc duy trì lợi thế trong các lĩnh vực an ninh mới như vấn đề an ninh mạng và không gian vũ trụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nhật Bản. 

Vì thế, để từng bước hiện thực hoá trọng trách thay đổi của mình, Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu Bộ Quốc phòng đánh giá lại đường lối phát triển quốc phòng, đặt ra các mục tiêu năng lực quốc phòng cho Nhật Bản trong 10 năm tới và hoàn tất xây dựng Chương trình phòng thủ trung hạn, bao gồm các kế hoạch chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới. 

Tờ Japan Times cho hay, ý tưởng về việc thay đổi điều 9 trong hiến pháp hoà bình năm 1947 của Nhật Bản đã được các lãnh đạo LDP đưa ra từ năm 2012 và ông Shinzo Abe là người xúc tiến thúc đẩy việc này. 

Trong bản sao của hiến pháp sửa đổi mà LDP soạn thảo rồi đưa lên mạng để mọi người tham khảo, Điều 9 được sửa đổi để trao lại quyền tham chiến cho nước này. Chương 2 của dự thảo này quy định việc thành lập Các lực lượng vũ trang quốc gia và chỉ định Thủ tướng là Tổng tư lệnh. 

Dự thảo cam kết rằng lực lượng vũ trang này sẽ giúp bảo đảm an toàn và trật tự không chỉ ở Nhật Bản mà còn trong cộng đồng quốc tế rộng hơn. Ở Chương 3, văn bản này rõ ràng trao quyền thành lập lục quân, hải quân, không quân và bất kỳ quân chủng nào khác như được quyết định thông qua quy trình pháp lý... 

Nhiều nhà phân tích nhận định, sửa đổi là tham vọng chính trị của đảng cầm quyền nhưng sẽ là một ván bài chính trị đầy mạo hiểm của chính Thủ tướng Shinzo Abe.

Phan Hiển
.
.
.