“Nước Mỹ đã trở lại”

Thứ Bảy, 06/02/2021, 07:23
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại kể từ khi ông nhậm chức ngày 20/1.


Bài phát biểu trên được đưa ra khi người đứng đầu Nhà Trắng có chuyến thăm trụ sở Bộ Ngoại giao và có cuộc gặp với  tân Ngoại trưởng Antony Blinken cùng các nhân viên ngành ngoại giao Mỹ. Cùng đi với ông có Phó Tổng thống Kamala Harris.

Kỷ nguyên mới

Trong bài phát biểu, Tổng thống Joe Biden cam kết về một kỷ nguyên mới đối với nước Mỹ sau khi người tiền nhiệm Donald Trump triển khai chính sách ngoại giao “không có hệ thống”, khẳng định nước Mỹ sẽ cạnh tranh từ một vị thế có sức mạnh bằng cách tái thiết trong nước, hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời đổi mới vai trò của Washington trong các thể chế quốc tế và giành lại uy tín và quyền lực đạo đức. 

Bài phát biểu đã thể hiện rõ sự khác biệt so với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của cựu Tổng thống Donald Trump, trong đó nổi bật là việc “hàn gắn” mối quan hệ đồng minh vốn bị tổn thương dưới chính quyền tiền nhiệm. 
Tân Tổng thống Joe Biden.

Tổng thống Joe Biden khẳng định, mối quan hệ đồng minh là một trong số tài sản quý giá nhất của nước Mỹ, đồng thời cam kết Washington sẽ sát cánh với những nước này trong nhiều vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19. 

Ông nêu rõ, trong hai tuần qua, ông đã có các cuộc điện đàm với nhiều lãnh đạo các nước đồng minh thân cận nhất, gồm: Canada, Mexico, Anh, Đức và Pháp, nhằm tái xây dựng mối quan hệ mà ông cho là bị xói mòn sau 4 năm qua. 

Ông nhấn mạnh, nước Mỹ không thể “vắng mặt” lâu hơn nữa trên trường quốc tế, và cũng cho biết ông sẽ tìm cách khôi phục vị thế và uy tín của Mỹ sau khi xảy ra vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 6/1. 

Ông nêu rõ: “Nước Mỹ đã trở lại và ngành ngoại giao đã trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Chúng ta sẽ xây dựng lại các liên minh của mình, can dự với thế giới một lần nữa, không phải để giải quyết những thách thức của ngày hôm qua, mà là của ngày hôm nay và ngày mai”.

Bài phát biểu còn đề cập đến quan điểm của chính quyền mới trong việc xử lý loạt điểm nóng, bao gồm cuộc nội chiến tại Yemen, quan hệ thương mại với Trung Quốc và căng thẳng với Nga. Tân Tổng thống Mỹ khẳng định, Washington sẽ không nhân nhượng liên quan đến nhiều vấn đề như an ninh mạng hay can thiệp cuộc bầu cử. 

Tuy nhiên, ông cho biết sẵn sàng hợp tác với Nga trong một số lĩnh vực, trong đó có Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) mà hai nước mới gia hạn thêm 5 năm. 

Đối với Trung Quốc, ông cho biết, chính quyền của ông sẽ “đối phó trực tiếp với những thách thức đe dọa sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ do đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất của chúng tôi gây ra: Trung Quốc”. Tổng thống Joe Biden cũng khẳng định sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên những lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhân quyền, sở hữu trí tuệ và kinh tế. 

“Chúng tôi sẽ thực hiện việc này từ sức mạnh được củng cố trong nước, sự hợp tác với các đối tác và đồng minh, cũng như việc đổi mới vai trò của chúng tôi trong các thể chế quốc tế, đồng thời tái khẳng định sự tín nhiệm cùng với các giá trị đạo đức mà nhiều điều trong số đó đã bị đánh mất”, ông nhận định. 

Mặc dù khẳng định chính phủ Trung Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình, song người đứng đầu Nhà Trắng cho biết Washington sẽ sẵn sàng “hợp tác với Bắc Kinh” vì lợi ích của Mỹ, một lập trường nhất quán trong chính quyền mới nhằm hợp tác với Trung Quốc để đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Liên quan tới tình hình Yemen, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ không ủng hộ “các chiến dịch tấn công” tại Yemen và chấm dứt toàn bộ hỗ trợ bao gồm các thương vụ bán vũ khí cho đồng minh Saudi Araba để phục vụ cho cuộc chiến này. Thay vào đó, ông cam kết tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân Yemen và chấm dứt cuộc nội chiến tại quốc gia Bắc Phi này. 

Ông cũng bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Timothy Lenderking làm đặc phái viên của Mỹ về Yemen để hỗ trợ nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc tìm kiếm một lệnh ngừng bắn và nối lại các cuộc hòa đàm. Một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách đối ngoại của ông Biden so với người tiền nhiệm là vấn đề di cư. 

Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ sẽ nâng hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn lên tới 125.000 người trong tài khóa đầu tiên của nhiệm kỳ, cao hơn nhiều so với mức 15.000 người mà cựu Tổng thống Donald Trump phê chuẩn. Ông cũng cam kết bảo vệ quyền của người LGBT trên toàn thế giới.

Chính sách đối ngoại đảo chiều

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng khởi động quá trình tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris và ngừng việc rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên, những chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Mỹ dưới thời ông được cho là sẽ không ngay lập tức “quay ngoắt 180 độ” với những chính sách của chính quyền tiền nhiệm.

 Ngoại trưởng Mỹ được chỉ định Tony Blinken cũng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel; coi ông Juan Guaido là Tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela; cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine; rút quân khỏi Afghanistan; giữ nguyên các mức thuế quan trong cuộc chiến thương mại trong lúc chờ xem xét lại và phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 giữa Nga và Đức. 

Những nhân vật được đề cử trong chính quyền của ông Joe Biden đã dành phần lớn thời gian trong các cuộc điều trần để hứa hẹn sẽ không tạo ra những thay đổi đột ngột trong chính sách. Đó có lẽ là điều được mong đợi, bởi vì bản thân những nhân vật này không có động cơ gì để gây sóng gió trước khi phải trải qua cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện chuẩn thuận vị trí của họ. Nói như vậy, nhưng ngoài việc mang lại một diện mạo mới cho phong cách lãnh đạo, chính quyền Biden cũng đã thực hiện ngay một số thay đổi thực chất.

Cụ thể, ông Tony Blinken quả quyết rằng Mỹ sẽ chấm dứt hỗ trợ cho chiến dịch ném bom do Saudi Arabia đang dẫn đầu ở Yemen; đồng thời tuyên bố sẽ nhanh chóng xem xét lại quyết định gây tranh cãi của ông Donald Trump khi gắn mác khủng bố đối với lực lượng Houthi. 

Trong khi đó, Giám đốc tình báo quốc gia Avril Haines cho biết, bà đã cho giải mật báo cáo tình báo về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi – vụ việc có sự nhúng tay của các đặc vụ Saudi Arabia. 

Về vấn đề Iran, cả ông Tony Blinken và bà Avril Haines đều nhắc lại kế hoạch của Tổng thống Joe Biden nhằm tái gia nhập thỏa thuận được ký kết năm 2015 này, nếu Iran có thiện chí “quay đầu”. 

Đây là thực tế, nhưng cả hai quan chức này đều cảnh báo rằng vẫn còn một chặng đường dài phải đi, Mỹ sẽ tham vấn các đồng minh như Israel về vấn đề này và mục tiêu thực sự của tân Tổng thống Mỹ là một thỏa thuận rộng lớn hơn, bao gồm cả chương trình tên lửa của Iran và các hành vi của nước này trong khu vực.

Điều đáng nói ở đây là Tone Blinken cho biết, ông không tin rằng Tổng thống Joe Biden có thẩm quyền hợp pháp để tấn công Iran mà không xin ý kiến của Quốc hội. Ngay từ khi tranh cử, ông Joe Biden đã sớm tận dụng cơ hội để phát đi tín hiệu rằng Mỹ sẽ tái cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, bao gồm cả việc ứng phó với đại dịch. 

Ông Blinken thông báo rằng, Mỹ sẽ tham gia sáng kiến COVAX - sáng kiến nhằm đảm bảo hơn 90 nước nghèo có cơ hội tiếp cận vaccine COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục bùng phát trên thế giới. 

Theo kế hoạch, sáng kiến sẽ giúp phân phối 2 tỉ liều vaccine trên toàn thế giới vào cuối năm 2021, trong đó sẽ ưu tiên cho lực lượng nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương do dịch. Cho đến nay, hầu như tất cả các nước trên thế giới đã tham gia COVAX, ngoại trừ Mỹ và Nga.

Với những điểm nêu trên, nhìn chung, chính quyền của ông Joe Biden có quan điểm hoàn toàn trái ngược so với chính quyền tiền nhiệm về cách thức giải quyết những thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt. Tuy nhiên, thay đổi sẽ không diễn ra trong “một sớm, một chiều” mà vẫn cần phải có thêm thời gian.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.