Nỗ lực đảm bảo phân phối vaccine cho các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp

Thứ Bảy, 17/04/2021, 09:23
COVAX - Chương trình sáng kiến về chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, đang tìm kiếm nguồn quỹ tài trợ 2 tỷ USD để đảm bảo công tác phân phối vaccine cho 92 nền kinh tế nghèo nhất tham gia chương trình. Đến thời điểm hiện tại, COVAX đã huy động được khoản viện trợ hơn 6 tỷ USD.


Tại một sự kiện do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tổ chức hôm 15/4, các quan chức phụ trách vấn đề tài chính và tiêm chủng vaccine hàng đầu của Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi các nước giàu có "quyên góp" những liều vaccine ngừa COVID-19 chưa dùng đến cho chương trình hỗ trợ vaccine cho những quốc gia có thu nhập thấp hơn trong nỗ lực nhằm chấm dứt đại dịch và đưa nền kinh tế toàn cầu trở về đúng hướng.

Bên cạnh đó, họ cũng kêu gọi các nước quyên góp thêm 2 tỷ USD cho COVAX vào tháng 6/2021, để có thể mua tới 1,8 tỷ liều vaccine trong năm 2021. Giám đốc điều hành GAVI Seth Berkley cho hay, nguồn cung vaccine trên toàn thế giới đang rất eo hẹp.

Song nhiều quốc gia có thu nhập cao đã đặt mua lượng vaccine nhiều hơn mức họ cần. Ông kêu gọi những nước này chia sẻ lượng vaccine chưa dùng tới "càng sớm càng tốt để có thể hỗ trợ các nước có nguy cơ lây nhiễm dịch cao trong giai đoạn nguồn cung hạn chế hiện nay".

Vaccine ngừa COVID-19 được phân phối theo cơ chế COVAX tại làng Salem, phía Đông thành phố Nablus, Bờ Tây, ngày 17/3.

Đáp lại lời kêu gọi này, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tuyên bố tài trợ đủ liều vaccine để tiêm cho hơn 800.000 người theo chương trình COVAX, do Gavi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) điều hành.

Trong một thông báo từ sự kiện này, Đan Mạch, Liechtenstein, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Điển cũng đã cam kết tài trợ tổng cộng khoảng 400 triệu USD cho chương trình. Trong khi đó, Mỹ, nước đã tài trợ 2 tỷ USD trong tổng số 4 tỷ USD đã cam kết cho COVAX, không đưa ra các cam kết mới.

Phát biểu tại sự kiện, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, mọi người dân trên thế giới cần phải tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm và tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả và an toàn trong bối cảnh đại dịch này vẫn tiếp tục lây lan và trở thành mối đe dọa trên khắp thế giới.

Trước đó, hôm 12/4, tại buổi thảo luận về những thách thức mà các nước đang phát triển phải đối mặt khi đặt mua và triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Chủ tịch GAVI José Manuel Barroso đã hối thúc những nước dư nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 chia sẻ chế phẩm này với những nước khác càng sớm càng tốt.

Ông David Malpass bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với GAVI về chiến lược năm 2022, trong đó có việc tăng sản lượng vaccine cho những nước đang phát triển. Hai quan chức trên cũng cho rằng, các quốc gia, nhà cung cấp, các đối tác phát triển cần minh bạch về các hợp đồng vaccine cũng như những yêu cầu và cam kết về nguồn cung và xuất khẩu quốc gia.

Trước đó, WB đã thông qua khoản hỗ trợ trị giá 12 tỷ USD cho hoạt động phát triển, sản xuất, phân phối vaccine tại những nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó khoảng 4 tỷ USD dự kiến sẽ được phê duyệt vào giữa năm nay. Chủ tịch WB lưu ý những khoản tiền này có thể được dùng để đồng chi trả cho sáng kiến phân phối vaccine COVAX và mua bổ sung vaccine ngoài tỷ lệ bao phủ cơ bản 20% dân số.

Trong khi đó, Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết, cơ chế COVAX do tổ chức này dẫn đầu đến nay đã phân phối gần 40 triệu liều vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, và dự kiến phân phối được hơn 40 triệu liều vaccine vào cuối tuần này. Trong đó, hơn 40 nước tại châu Phi sẽ nhận được vaccine tính đến cuối tuần này và sẽ được phân phối gần 50% số liều vaccine nói trên qua cơ chế COVAX.

Tuy nhiên, COVAX hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine, đặc biệt là kể từ khi Viện Serum Ấn Độ - một trong những nhà sản xuất chủ chốt cung cấp vaccine cho COVAX, giảm lượng cung cấp vaccine do nhu cầu rất lớn đối với vaccine trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á.

WHO hối thúc người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm vì vaccine chỉ là một trong những biện pháp để đối phó với COVID-19. Theo số liệu tổng hợp, tính đến nay đã có gần 840 triệu liều vaccine được tiêm chủng tại ít nhất 205 nước và vùng lãnh thổ. COVAX cũng đã phân phối hơn 38 triệu liều vaccine cho 113 nước và vùng lãnh thổ tham gia chương trình. Lô vaccine đầu tiên trong chương trình COVAX đã được chuyển tới Ghana vào ngày 24/2. COVAX đặt mục tiêu phân phối đủ lượng vaccine tiêm chủng cho 27% dân số trong 92 nền kinh tế nghèo nhất tham gia COVAX vào cuối năm 2021.

COVAX do GAVI, WHO và Liên minh những đổi mới trong việc chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI) phối hợp vận hành. Ông Seth Berkley cho biết GAVI cũng đã được thỏa thuận mua 2,5 tỷ liều vaccine từ các hãng dược phẩm, tuy nhiên, công tác thu mua cần nguồn tài chính để đẩy nhanh tiến độ.

Hiện Chính phủ Nhật Bản đang xem xét bổ sung nguồn vốn viện trợ hàng tỉ yên cho COVAX với mục tiêu đi tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng chống COVID-19, cũng như kêu gọi các quốc gia tăng cường viện trợ cho khuôn khổ hợp tác này.

Dự kiến trong tháng 6, các quốc gia liên quan sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến để thảo luận về việc huy động nguồn vốn bổ sung cho Cơ chế COVAX. Với tư cách là quốc gia chủ trì hội nghị, Nhật Bản kỳ vọng việc sớm đưa ra cam kết viện trợ bổ sung sẽ góp phần thúc đẩy huy động vốn và hợp tác từ các quốc gia phát triển, đặc biệt là Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.