Những “tia sáng cuối đường hầm” cho Syria

Thứ Sáu, 24/02/2017, 08:18
Nhận định về việc cuộc hòa đàm Syria diễn ra hôm 23-2 tại Geneva (Thụy Sĩ) sau 10 tháng gián đoạn, Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Syria Staffan de Mistura cho biết ông không trông đợi một bước đột phá ngay lập tức, rằng đây chỉ là sự khởi đầu của một loạt vòng đàm phán nhằm hướng tới một giải pháp chính trị lâu dài cho Syria.

Tuy nhiên, phe đối lập đã lần đầu tiên yêu cầu đối thoại trực tiếp với Chính phủ Syria tại vòng đàm phán này.

Phiên hòa đàm về Syria đầu tiên nằm dưới sự bảo trợ của LHQ trong gần một năm qua sẽ tập trung thảo luận tiến trình “chuyển tiếp chính trị” tại quốc gia Trung Đông đang bị chiến tranh tàn phá, sau khi có những lo ngại cho rằng LHQ có thể từ bỏ mục tiêu “chuyển tiếp chính trị” tại Syria. 

Ngay trước thềm phiên hòa đàm, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) – đại diện phe đối lập chính của Syria cho biết họ muốn thoại trực tiếp với đại diện Chính phủ nước này. 

Người phát ngôn HNC Salem al-Muslet giải thích: “Chúng tôi không muốn đàm phán tiếp tục tái diễn như trước, mà ở đó, đối thoại diễn ra trong các căn phòng mà chúng tôi không biết người đối thoại với chúng tôi là ai. Chúng tôi mong muốn sự nghiêm túc thực sự trên bàn đàm phán. Như vậy sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí”. 

Khung cảnh hoang tàn ở thành phố Damasco sau nhiều năm nội chiến. Ảnh: Sputnik.

Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng cho hòa đàm Syria vì trước đây, đối thoại giữa Chính phủ Syria và phe đối lập đều diễn ra gián tiếp dưới sự hỗ trợ của các bên trung gian. 

Ông al-Muslet đồng thời bày tỏ hy vọng, cuộc đàm phán lần này sẽ mang lại kết quả tích cực nhằm chấm dứt chiến sự kéo dài tại Syria. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong lập trường của phe đối lập về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng được xem là một dấu hiệu tích cực. 

Một trong những vướng mắc lớn nhất tại vòng đàm phán tại Astana cách đây vài tháng là bất đồng giữa Chính phủ Syria và phe đối lập về tương lai của Tổng thống Al Assad. Tuy nhiên, lần này phe đối lập lại tỏ ra “e dè” khi nhắc tới vấn đề này, rằng đây là một yếu tố có tính chất quyết định không chỉ với lực lượng đối lập mà với cả các bên liên quan. 

Có thể, phe đối lập đã nhận thấy rằng, hai quốc gia hậu thuẫn lớn nhất là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang có dấu hiệu thay đổi lập trường, làm dấy lên những quan ngại trong lực lượng nổi dậy rằng yêu cầu của họ về việc ông Assad phải ra đi không còn được “lắng nghe”. 

Đại sứ Ukraine tại LHQ Volodymyr Yelchenko, người nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng này, cho biết hội đồng “bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán về Syria tại Geneva sẽ đạt được kết quả hữu hình” và hướng tới “chuyển đổi chính trị do người Syria thực hiện và dẫn đầu”.

Đặc phái viên Mitsura cho biết thêm, Nga đã chính thức yêu cầu Chính phủ Syria “giữ lặng yên bầu trời trong quá trình đàm phán”. Bên cạnh đó, Nga cũng đang chờ Mỹ đưa ra những đề xuất về sự hợp tác mà hai bên có thể tiến hành trong vấn đề Syria. 

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, đề xuất của Mỹ về việc thiết lập các vùng an toàn ở Syria trước hết cần phải nhận được sự chấp thuận của Chính phủ Syria. Cùng với đó, Moscow cũng cho rằng, những hoạt động chung giữa Nga và Mỹ tại thành phố Raqqa của Syria có thể trở thành sự khởi đầu của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã dẫn lại lời Tổng thống Vladimir Putin rằng, không thể đơn độc chiến thắng được chủ nghĩa khủng bố. Cũng liên quan tới vấn đề này, quân đội Nga hôm 22-2 đã giáng những đòn chí tử vào các lực lượng khủng bố quốc tế tại Syria, giúp quốc gia Trung Đông tránh khỏi nguy cơ sụp đổ. 

Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh: “Nhà nước Syria đã tránh được tình trạng tan rã, trên thực tế cuộc nội chiến đã ngừng lại và những âm mưu thay đổi chế độ hợp pháp được điều khiển từ bên ngoài cũng được ngăn chặn”. 

Theo ông Shoigu, nhiều nhiệm vụ địa chính trị đã được giải quyết, các tổ chức khủng bố quốc tế tại Syria đã hứng chịu thiệt hại nặng nề, với nhiều kênh hỗ trợ tài chính và hệ thống cung cấp nhân lực bị phá hủy.

Khổng Hà
.
.
.