Những thành quả chống dịch COVID-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá cao

Thứ Hai, 27/04/2020, 07:59
Trong gần 3 tháng qua, Việt Nam đã kiên trì áp dụng các chính sách và biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, hiệu quả, mang đến những kết quả đáng mừng khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát với số lượng ca lây nhiễm thấp, không có ca tử vong. Những thành quả của Việt Nam đã được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao.


“Toàn Việt Nam lại trụ vững và chiến thắng”

Trong chuyên mục tổng quan hằng tuần “Việt Nam trên báo chí nước ngoài” phát đêm 25/4, đài Sputnik (Nga) đã liệt kê một số bài viết của truyền thông quốc tế đánh giá cao Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. 

Cụ thể, tờ Kommersant (Thương gia) của Nga đã dành bài viết lớn và công phu nghiên cứu kinh nghiệm thành công của Việt Nam, lưu ý đến quyết định chia 63 địa phương của đất nước thành nhiều khu vực - với xếp loại mối đe dọa SARS-CoV-2 ở mức cao, mức trung bình và thấp, từ đó có những biện pháp tương ứng về giãn cách xã hội khá đa dạng. 

Bài viết của Kommersant cũng ghi nhận yếu tố không kém phần quan trọng dẫn đến thành công là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc kêu gọi nhân dân đoàn kết và xác định tiêu chí nhận thức độc đáo: Coi cuộc chiến chống đại dịch như cuộc đối đầu với giặc ngoại xâm, để lại một lần nữa, như từng có trong lịch sử, “toàn Việt Nam lại trụ vững và chiến thắng”. 
Áp phích tuyên truyền chống dịch bệnh COVID-19 ở Hà Nội.

Theo Sputnik, với việc Việt Nam nới lỏng giãn cách xã hội, suốt tuần lễ không xuất hiện những ca bệnh mới, không ngẫu nhiên khi chủ đề chính trong các bài viết và thông tin về đất nước này trên các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài là phân tích bí quyết thành công của Việt Nam.

Trang Marketplace thì chỉ ra rằng, bộ máy An ninh hùng mạnh ở Việt Nam và hệ thống chính quyền địa phương hiệu quả đã được huy động vào việc đảm bảo cung cấp thông tin ngay lập tức về tình hình dịch bệnh và cách ly ở mọi nơi cần thiết. 

Theo bài viết, Việt Nam đã chọn phương thức phù hợp với ngân sách hơn để chống đại dịch, thay vì áp dụng cách xét nghiệm đại trà như Đức và Hàn Quốc tiến hành. 

Bài viết của Marketplace đề cập đến những yếu tố góp phần làm nên thành công của Chính phủ Việt Nam, đó là những quy định hướng dẫn y tế gồm kiểm tra nhiệt độ và xét nghiệm, trong đó bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh và đáng tin cậy do chính người Việt Nam tạo ra; thực hiện cách ly 14 ngày từ giữa tháng 2 đối với tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh; phối hợp tuyên truyền nhanh chóng giữa chính quyền và các công dân, qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và áp-phích về kiến thức vệ sinh phòng chống dịch. 

Bài viết cho rằng, mô hình chống dịch của Việt Nam đã cung cấp những bài học quan trọng, bởi COVID-19 còn lây lan hoành hành ở các nước đang phát triển.

Trong khi đó, trang workers.org dẫn lời nhà báo Joshua Hanks đánh giá: “Việt Nam đã có một phản ứng rất thành công, có lẽ nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Việt Nam là điển hình cho cả các nước đang phát triển và phát triển trong nỗ lực đối phó với dịch với COVID-19. Phần lớn thành công là nhờ vào sự đoàn kết xã hội”. 

Bà Amy Searight - Giám đốc kiêm chuyên gia cấp cao chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, thì cho rằng: Việt Nam đã đưa ra một phản ứng nhanh chóng và quyết liệt đối với dịch COVID-19 mà cho đến nay đã có thành công lớn, với việc không có trường hợp nào tử vong, theo dữ liệu của chính phủ.

Chính sách nhân văn, đặt con người vào trung tâm

Những cây “ATM gạo” xuất hiện tại nhiều nơi từ Bắc ra Nam ở Việt Nam nhằm cung cấp gạo miễn phí cho những người gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã phản ánh “tinh thần tương thân, tương ái”, truyền thống “lá lành đùm lá rách” cao đẹp của người dân Việt Nam. Nghĩa cử ấm áp tình người, bác ái đó đã khiến truyền thông quốc tế ngỡ ngàng và dành không ít lời khen ngợi. 

“Một chiếc máy cho ra gạo miễn phí - một điều tưởng chừng như khó tin - nhưng những chiếc ATM gạo như thế đã được lắp đặt tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam để hỗ trợ cho người gặp khó khăn trong dịch bệnh”, nhà báo Alicia Lee đăng trên trang CNN. 

Cùng viết về sáng kiến “ATM gạo” của Việt Nam, nhà văn, nhà hoạt động người Mỹ Marianne Williamson khẳng định: “Đây là ý tưởng mà chúng ta cũng nên thực hiện. Hàng triệu người Mỹ thiếu lương thực đang ngày càng trở nên tuyệt vọng mỗi ngày”. 

Tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của chính phủ và người dân trong phòng, chống dịch bệnh cũng được chuyên gia David Hutt đánh giá cao trên trang Foreign Policy: “Sự phản ứng chủ động và minh bạch của Hà Nội đối với đại dịch đã giành được những lời khen ngợi của quốc tế và trong nước. Không quá phóng đại khi nói rằng chính phủ đã nhận được sự ủng hộ lớn nhất của nhân dân kể từ sau khi thống nhất đất nước. Mặc dù không nhận được sự chú ý của quốc tế như: Canada, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam vẫn nổi lên như một trong những câu chuyện thành công lớn trong chiến đấu với đại dịch”.

Nhà báo Tina Ngo, trên trang liberationnews.org, đã có những bình luận rất thẳng thắn, ca ngợi chính sách nhân văn, đặt con người vào trung tâm của Việt Nam: “Việt Nam là một ví dụ về việc hành động như thế nào để đối phó hiệu quả đại dịch. Trái với chỉ trích phổ biến của các phương tiện truyền thông phương Tây, thành công của Việt Nam cho đến nay không chỉ đơn giản là một phép lạ. Đó là kết quả của một nền kinh tế kế hoạch với một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt con người trên lợi nhuận. Đại dịch COVID-19 đã làm lộ ra điểm yếu của chủ nghĩa tư bản, đặt lợi ích lên trên con người. Việt Nam chứng minh rằng có một cách khác”. 

Trong khi đó, trong bài viết được đăng tải trên trang The Nation (Mỹ), tác giả George Black khẳng định, cách xử lý của Việt Nam đối với dịch COVID-19 là minh bạch một cách ấn tượng. Ông cũng nhấn mạnh thế giới có thể học nhiều điều từ thành công đặc biệt này của Việt Nam.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.