Những nỗ lực kết thúc cuộc nội chiến tại Afghanistan

Chủ Nhật, 20/09/2020, 08:55
Ngày 19/9 đánh dấu tròn 1 tuần diễn ra cuộc đàm phán hòa bình lịch sử đầu tiên giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban, dưới sự trung gian hòa giải của Mỹ, hướng tới việc khép lại gần 20 năm chiến tranh và bạo lực tại quốc gia Tây Nam Á này. 


Hiện mọi thông tin phía sau cánh cửa đàm phán đang được 2 bên giữ kín và thế giới đang kỳ vọng rất nhiều vào vòng đàm phán này, kêu gọi các bên Afghanistan nên nắm bắt cơ hội lịch sử.

“Hòa bình đến với bạn” – câu chào của người Arab được cất lên khi cánh cửa của khán phòng đàm phán giữa các bên Afghanistan được mở ra. Những cái ôm và những tiếng cười vui sau đó đã phá tan bầu không khí tĩnh lặng, căng thẳng trong căn phòng – một khoảnh khắc được hãng truyền thông Aljazeera của Qatar gọi là “lịch sử”.

Đến đàm phán lần này, phái đoàn chính phủ Afghanistan do chính trị gia có tầm ảnh hưởng rất lớn tại Afghanistan - Người đứng đầu hội đồng hòa bình, ông Abdullah Abdullah dẫn đầu. Điểm đáng chú ý nữa, trong phái đoàn chính phủ có 1 người phụ nữ - bà được xem là đại sứ cho quyền lợi và tương lai của tất cả những người phụ nữ Afghanistan. Dù đã trải qua 1 tuần đàm phán, nhưng các thông tin về cuộc đàm phán rất ít được tiết lộ với báo giới.

Chủ tịch Hội đồng hòa giải quốc gia tối cao Afghanistan Abdullah Abdullah (giữa, hàng đầu) phát biểu tại phiên khai mạc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban ở Doha, Qatar ngày 12/9.

Theo ông Abdullah, hiện một lệnh ngừng bắn, giảm bạo lực đang được ưu tiên thảo luận; trong khi các vấn đề như thể chế nhà nước, sự phân chia quyền lực giữa các bên trong tiến trình hòa bình, hiến pháp và các quyền của người phụ nữ… đang là những “bài toán chưa có lời giải”. 

“Một trong những vấn đề hàng đầu mà người dân quan tâm là phải giảm bạo lực một cách đáng kể, có thể cảm nhận được; đồng thời tiến tới một lệnh ngừng bắn nhân đạo, sau đó là một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. Chúng tôi sẽ thảo luận chi tiết chương trình nghị sự. Tuy nhiên, phải nói rằng, đất nước sẽ không thể phát triển nếu chính phủ không tạo điều kiện để nam giới và nữ giới phát huy hết được vai trò của mình, từ chính trị cho đến các vấn đề xã hội”, ông Abdullah Abdullah cho biết.

Dù đây mới chỉ là cuộc đàm phán đầu tiên sau gần 20 năm chiến tranh và bạo lực giữa các bên Afghanistan, tuy nhiên thế giới đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào bước tiến mới này. Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng hôm 18/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guteres cho biết: “Ngày hôm nay, từ Afghanistan cho đến Sudan, chúng ta đang thấy những bước tiến triển mới đầy hy vọng hướng tới hòa bình”.

Trong thông cáo đưa ra cùng ngày, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ bày tỏ hoan nghênh các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan đồng thời kêu gọi các bên liên quan giảm bớt xung đột. HĐBA khẳng định Afghanistan chỉ có thể đạt được hòa bình bền vững thông qua một tiến trình hòa bình toàn diện và bao trùm do người Afghanistan dẫn dắt, hướng tới ngừng bắn hoàn toàn và chấm dứt xung đột thông qua giải pháp chính trị. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ đã có những cuộc đàm phán thuận lợi với nhóm chiến binh Taliban tại Afghanistan.

Ông nói: “Chúng tôi đang có một số cuộc thảo luận tốt với Taliban như mọi người có thể thấy. Chúng tôi sẽ nhanh chóng giảm số binh sỹ tại Afghanistan xuống 4.000 người. Chúng tôi cũng sẽ rời khỏi Afghanistan hoàn toàn khi một số điều được thực hiện. Những điều mà Taliban sẽ phải hoàn thành. 19 năm là một khoảng thời gian dài”. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng thừa nhận, Taliban rất cứng rắn và thông minh. Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, lực lượng này cũng đã rất mệt mỏi khi suốt 19 năm qua phải chiến đấu. Đã đến lúc các bên tìm kiếm hòa bình.

Các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan giữa hai phe đối lập đã bắt đầu từ hôm 12-9 và đang tiếp diễn được kỳ vọng sẽ mở đường cho một tiến trình hòa bình thực sự, theo đó các lực lượng quân sự nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan sau gần 2 thập kỷ chiến tranh và xung đột tại đây. Tại cuộc thảo luận, ông Abdullah Abdullah đã cảm ơn Taliban “vì thiện chí đàm phán”. Ông bày tỏ tin tưởng, Afghanistan sẽ có thể đi tới “một ngày mai không có chiến tranh và mọi đau khổ của người dân sẽ chấm dứt”.

Về phần mình, các nhà đàm phán Taliban một lần nữa yêu cầu bất kỳ hệ thống chính trị nào trong tương lai tại Afghanistan cũng phải được điều hành theo mô hình luật pháp Hồi giáo. Đây cũng là một trong những rào cản lớn nhất đối với tiến trình hòa đàm hiện nay. Taliban muốn tái định hình Afghanistan thành một tiểu vương quốc Hồi giáo, trong khi chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani mong muốn duy trì một nền cộng hòa hiến pháp có sự ủng hộ của phương Tây, giải phóng nhiều quyền lợi, trong đó có quyền tự do cho phụ nữ.

Những cuộc thảo luận này diễn ra muộn hơn 6 tháng so với dự kiến do những bất đồng sâu sắc liên quan tới việc trao đổi tù nhân và diễn ra 1 ngày sau lễ kỷ niệm lần thứ 19 vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, dẫn tới cuộc can thiệp quốc tế do Mỹ dẫn dầu nhằm lật đổ chính quyền Taliban tại Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, hai bên phải tìm ra “con đường để đưa đất nước tiến lên và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về một đất nước hòa giải và không có chiến tranh”.

“Chính các bạn sẽ viết nên chương tiếp theo trong lịch sử Afghanistan. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là một chương của hòa giải và tiến bộ, chứ không phải là một chương đẫm máu và nước mắt khác. Các bên cần đưa ra quyết định để chấm dứt bạo lực và tham nhũng, hướng tới hòa bình, phát triển và thịnh vượng”, ông Mike Pompeo cho biết.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định quyết tâm chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột rất khó có khả năng đạt được và các bên sẽ phải mất bao lâu để đàm phán cũng là điều mà không mấy ai dám khẳng định.

Từ thỏa thuận lịch sử giữa Taliban và Mỹ hồi tháng 2 vừa qua tới cuộc đàm phán ngày hôm nay, các bên đã phải mất tới 6 tháng do những bất đồng liên quan tới việc trao đổi tù nhân. Tiến trình chỉ được khơi thông sau khi Chính phủ Afghanistan cuối cùng cũng phải đưa ra quyết định khó khăn thả tự do cho 400 tù nhân Taliban được xếp vào diện nguy hiểm nhất bất chấp việc bị nhiều nước phản đối, trong đó có Pháp và Australia.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.