Những hành động khó hiểu của Trung Quốc trước Đối thoại Shangri-La

Thứ Bảy, 04/06/2016, 09:21
Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 (SLD 15), diễn ra từ ngày 3 đến 5-6 tại Singapore, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận, Hải quân nước này sẽ tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2016 do Mỹ tổ chức, dự kiến bắt đầu từ ngày 30-6 đến 4-8 ở Hawaii. Cùng với đó, Bắc Kinh đã lớn tiếng cáo buộc các định nghĩa mà Philippines sử dụng trong vụ kiện Biển Đông.

Trong một thông báo ngắn gọn hôm 2-6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, nước này sẽ triển khai đội tàu nhỏ với hai tàu chiến và một tàu y tế tham gia vào các cuộc tập trận bắn đạn thật, chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn và các hoạt động khác trong khuôn khổ RIMPAC 2016.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ, RIMPAC 2016 còn thu hút sự tham gia của Nga và 17 nước khác. Việc có thêm các nước tham gia RIMPAC 2016 không phải là điều đáng chú ý. Tuy nhiên, sự góp mặt của Trung Quốc tiếp tục là đề tài gây tranh cãi trong chính giới Mỹ.

Trung Quốc sẽ triển khai hai tàu chiến và một tàu y tế tham gia RIMPAC 2016.

Trên thực tế đã có một số ý kiến trong Quốc hội Mỹ kêu gọi loại Trung Quốc ra khỏi RIMPAC 2016 vì những hoạt động bành trướng của nước này ở Biển Đông – nơi mà Bắc Kinh đang không ngừng mở rộng quy mô xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Thậm chí, một số quan chức Mỹ, trong đó có cả Thượng nghị sĩ John McCain, cho rằng Mỹ nên “cấm” Trung Quốc tham gia RIMPAC 2016 để thể hiện rõ quan điểm không đồng tình của Washington đối với những hành động quân sự của Bắc Kinh trong thời gian gần đây.

Trong một phiên điều trần hồi tháng trước, Nghị sĩ Mark Takai – đảng viên đảng Dân chủ, thành viên Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ đã yêu cầu Lầu Năm Góc rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận này. Nếu không, sẽ căn cứ vào luật trao quyền hạn quốc phòng 2017 để bắt buộc Lầu Năm Góc phải thực hiện đề nghị này.

Nghị sĩ Takai đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter rằng: “Tôi muốn hỏi là tại sao chúng ta lại thưởng cho Trung Quốc vì hành vi hung hăng của họ bằng cách trao cho họ cơ hội tham dự một sự kiện có ý nghĩa quan trọng với các đối tác và đồng minh?”.

Nghị sĩ Takai nêu rõ rằng, việc mời Trung Quốc tham gia RIMPAC 2016 chẳng khác nào là sự tán thưởng cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông, vốn thể hiện sự “trái ngược hoàn toàn với các mục tiêu của Mỹ”. Bên cạnh đó là một loạt hành động xấu mà ông Takai coi là chưa bị trừng phạt như bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trên các bãi đá ở Biển Đông, tuyên bố thành lập Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông…

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc không mời Trung Quốc tham dự RIMPAC 2016 chính là một thông điệp mạnh mẽ của Mỹ gửi đến các nước đồng minh và đối tác, đó là Washington luôn nỗ lực dẫn đầu trong việc bảo vệ trật tự và luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift lại có suy nghĩ khác khi cho rằng, việc mời Trung Quốc tham dự sẽ giúp hai nước tăng cường liên lạc quân sự trên biển. 

Nhận xét về lời mời này, trong bài viết được đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, trực thuộc Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sáng 3-6, chuyên gia Trương Quân Xã thuộc Sở Nghiên cứu học thuật quân sự Hải quân (Trung Quốc) bình luận rằng, quy mô và số lượng hạng mục Trung Quốc, Mỹ tham gia trong RIMPAC 2016 chứng minh “Hải quân hai nước đang làm sâu sắc hơn xu thế hợp tác giao lưu”: “Những hạng mục như phối hợp tàu chiến - máy bay đòi hỏi quân đội hai bên hợp tác ở mức độ cao. Các hoạt động như vậy có lợi cho nỗ lực gia tăng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ - Trung”.

Cũng trong ngày 2-6, Trung Quốc cũng đã bất ngờ lớn tiếng chỉ trích Philippines đang tìm cách phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, ám chỉ đến lập luận từ Manila trong vụ kiện đệ trình lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), theo đó mô tả đảo Ba Bình chỉ là bãi đá chứ không phải là một hòn đảo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng rằng: “Việc Philippines cố tình định nghĩa đảo Ba Bình là một bãi đá đã cho thấy mục tiêu thật sự của phiên tòa nhằm phủ nhận chủ quyền và các quyền liên quan của Trung Quốc và rằng: “Điều này vi phạm luật pháp quốc tế và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Bà Hoa Xuân Oánh còn ngang ngược khẳng định, ngư dân Trung Quốc “được ghi trong sử sách” đã sinh sống, đánh bắt cá, đào giếng, trồng trọt và xây nhà trên đảo Ba Bình. Cùng với đó, Trung Quốc tuyên bố đã sẵn sàng thiết lập ADIZ ở Biển Đông và sự hiện diện của Mỹ là cơ hội tốt để Bắc Kinh hiện thực hóa ADIZ.

Khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 15

Chiều 3-6, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 15 (SLD 15) đã chính thức khai mạc tại khách sạn Shangri-La, Singapore. SLD 15 thu hút sự tham gia của hơn 20 Bộ trưởng Quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới. Các chủ đề chính của SLD bao gồm cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, tranh chấp ở Biển Đông, di cư, an ninh mạng, chống khủng bố và cạnh tranh quân sự.

Nhận định về đối thoại lần này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận định: “Khi lòng tin chiến lược giữa các quốc gia suy giảm thì khả năng hợp tác, hóa giải các xung đột sẽ gặp nhiều cản trở, khó khăn. Một khi không có lòng tin thì sẽ không có thiện chí để cùng theo đuổi các mục đích chung”.

Trong khi đó, Tiến sĩ William Choong, chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - đơn vị tổ chức SLD, cho rằng, SLD 15 sẽ là cơ hội tốt để Bộ trưởng Quốc phòng các nước có cơ hội nêu quan điểm của từng nước về vấn đề an ninh trong khu vực.

Ví dụ như việc Mỹ sẽ nhấn mạnh về các hoạt động hợp tác với các nước đồng minh để đảm bảo an ninh hàng hải tại châu Á-Thái Bình Dương. Mặt khác, trong bối cảnh an ninh hàng hải của khu vực đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, các nước liên quan như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore, Malaysia có thể cùng thảo luận các biện pháp để củng cố an ninh hàng hải tại khu vực này và đề cập đến các vấn đề các bên quan ngại như việc Trung Quốc xây dựng bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa. (P.V)

Khổng Hà
.
.
.