Những điều sẽ xảy ra từ nay đến ngày nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ

Thứ Hai, 09/11/2020, 10:09
Khi cử tri Mỹ đi bỏ phiếu ngày 3/11, họ không trực tiếp bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống, mà bầu ra đại cử tri đoàn.

Nhiều hãng tin của Mỹ tuyên bố ông Joe Biden là Tổng thống đắc cử. Ảnh Getty Images.

538 đại cử tri sẽ họp tại các bang để bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống sau khi quá trình kiểm phiếu phổ thông kết thúc.

Vậy, những sự kiện gì diễn ra từ nay cho đến ngày tân Tổng thống Mỹ chính thức nhậm chức?

Ngày 3/11, cử tri toàn nước Mỹ đi bỏ phiếu và quá trình kiểm phiếu bắt đầu. Trong khi hàng triệu người đã bỏ phiếu trước Ngày bầu cử, theo luật của Mỹ, Ngày bầu cử chính thức vẫn là ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Các phiếu bầu được kiểm trong Ngày bầu cử.

Quá trình tính phiếu diễn ra từ ngày 4 đến 23/11. Các lá phiếu gửi qua thư phải đáp ứng điều kiện là dấu bưu điện được đóng trước ngày 3/11 ở mọi tiểu bang dù vẫn có thể nhận muộn và được tính ở một số bang. Ở hầu hết các bang, các lá phiếu qua thư phải được gửi trong vòng một hoặc hai ngày tính từ Ngày bầu cử. Tuy nhiên, tại bang Washington, các phiếu gửi qua thư có thể được nhận đến ngày 23/11, ngày trước khi bang này xác nhận kết quả bầu cử. Tại các bang chiến trường như North và South Carolina, các lá phiếu gửi qua thư sẽ được chấp nhận đến ngày 6/11, tại Minnesota hay Nevada là 10/11, tại Ohio là 13/11.

Các bang sẽ dần công bố và chứng nhận kết quả bầu cử từ ngày 10/11 đến 11/12. Mỗi bang lại tiến hành theo cách khác nhau, nhưng phần lớn, khoảng một tuần sau Ngày bầu cử, các bang sẽ bắt đầu công bố kết quả. Những hạn chót này có thể thay đổi nếu như bang đó kiểm phiếu lại do hai ứng viên có số phiếu quá sít sao. Hầu hết các hạn chót này là ở hai tuần cuối của tháng 11, tuy vậy, hạn chót ở California là ngày 8/12.

Theo luật của Mỹ, 8/12 là ngày mà các bang phải tính xong phiếu, giải quyết các tranh chấp và xác định người chiến thắng số phiếu Đại cử tri đoàn.

Ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày thứ Tư thứ hai của tháng 12. Năm nay, ngày này chính là 14/12. 6 ngày sau thời điểm các tranh chấp phải được giải quyết, các đại cử tri sẽ nhóm họp tại các bang tương ứng và bỏ phiếu bầu Tổng thống Mỹ. Nhiều tiểu bang có luật yêu cầu các cử tri của họ chỉ ủng hộ một người nhất định, những “cử tri không trung thành” có thể bị phạt tiền nếu muốn có “lối đi riêng”.

Ngày 23/12, kết quả phiếu đại cử tri được đưa đến Washington. Các phiếu đại cử tri được chứng nhận có 9 ngày để được chuyển từ các bang đến Capitol Hill.

Các thành viên của Hạ viện và những Thượng nghị sĩ mới sẽ tuyên thệ nhận chức vào chiều 3/1. Đây sẽ là khởi đầu chính thức của Quốc hội thứ 117 của Mỹ.

Các thành viên của Hạ viện và Thượng viện cùng họp trong phòng của Hạ viện ngày 6/1. Chủ tịch Thượng viện (Phó Tổng thống Mike Pence) chủ trì phiên họp và các phiếu Đại cử tri được đọc và đếm theo thứ tự bảng chữ cái bởi hai người được bổ nhiệm từ Hạ viện và Thượng viện.

Có 538 phiếu đại cử tri. Nếu không có ứng cử viên nào đạt quá bán, tức 270 phiếu, 435 thành viên của Hạ viện sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử. Mỗi bang nhận được một phiếu bầu. Mặc dù có nhiều đảng viên Dân chủ hơn trong Hạ viện, nhưng đảng Cộng hòa, hiện tại, kiểm soát nhiều phái đoàn cấp bang hơn, vì vậy rất có thể Hạ viện sẽ chọn ông Donald Trump. Để trở thành Tổng thống cần có đa số phiếu của tiểu bang. Hạ viện có hạn chót là trưa ngày 20/1 để đưa ra quyết định ai là Tổng thống. Nếu họ không thể đưa ra quyết định, Phó Tổng thống hoặc người tiếp theo đủ điều kiện trong hàng kế vị tổng thống sẽ đưa ra quyết định.

Ngày 20/1, Tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức vào buổi trưa. Nếu Tổng thống đắc cử qua đời trong thời gian này, Phó Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống. Trong một cuộc bầu cử có tranh chấp, nếu Hạ viện không chọn Tổng thống nhưng Thượng viện đã chọn một Phó Tổng thống, thì Phó Tổng thống đắc cử sẽ trở thành quyền Tổng thống cho đến khi Hạ viện đưa ra lựa chọn. Và nếu không có Tổng thống đắc cử hay Phó Tổng thống đắc cử, Hạ viện chỉ định một Tổng thống cho đến khi một người được chọn.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.