Nhiều vấn đề phát sinh sau khi Chủ tịch Ngân hàng Thế giới từ chức

Thứ Ba, 08/01/2019, 15:39

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) Jim Yong Kim vào hôm 7-1 đã đột ngột từ chức, trước gần ba năm so với thời điểm ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị này, đồng thời đặt ra nhiều thách thức.

Chủ tịch sắp "nghỉ hưu sớm" của World Bank, ông Jim Yong Kim. Ảnh Reuters. 

Ông Jim Yong Jim cho biết sẽ chính thức rời vị trí Chủ tịch vào ngày 1-2, sau đó gia nhập một công ty tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển và sẽ trở lại hội đồng quản trị của một tổ chức về y tế mà ông thành lập từ ba thập kỷ trước. Sau khi ông Kim chính thức rút khỏi vị trí này, bà Kristalina Georgieva, hiện là Giám đốc điều hành WB, sẽ trở thành quyền chủ tịch.

“Thật vinh dự khi được làm Chủ tịch của một tổ chức lớn như vậy, với những cá nhân đầy đam mê cống hiến cho sự nghiệp chấm dứt đói nghèo cùng cực…Công việc của World Bank ngày nay còn trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi kỳ vọng của người nghèo tăng lên trên phạm vi toàn thế giới, cùng với đó là các vấn đề như biến đổi khí hậu, đại dịch, nạn đói và người tị nạn tiếp tục gia tăng về cả quy mô và độ phức tạp”, ông Kim viết trong lá thư từ chức.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các tổ chức đa phương và đặt câu hỏi về các cam kết viện trợ nước ngoài của Mỹ, khiến cho việc đề cử ứng viên mới cho vị trí Chủ tịch WC của chính quyền ông Trump có vẻ như sẽ bị thách thức bởi các nền kinh tế mới nổi, vốn trong nhiều thập kỷ qua ngày càng gia tăng sự phản đối trước sự “thống trị” của Mỹ đối với ngân hàng phát triển toàn cầu này.

Nhà Trắng chưa đưa ra bất kỳ một nhận định nào về việc liệu ông Trump có kế hoạch bổ nhiệm một chủ tịch mới hay là một danh sách dài những ứng viên sáng giá cho chức vụ này hay không.

Chính quyền ông Trump có một mối quan hệ làm việc khá chặt chẽ với ông Kim. Cô Ivanka Trump, con gái Tổng thống và cũng là một cố vấn cấp cao của chính quyền, đã phát triển sáng kiến kinh doanh của phụ nữ hợp tác với WB vào năm 2017 với mục tiêu cung cấp khoảng 1 tỷ USD hỗ trợ cho các chủ doanh nghiệp nhỏ.

Ông Jim Yong Kim. Ảnh Reuters. 

Con gái ông Trump cũng đã đưa sáng kiến này đến với ông Kim vào tháng 4-2017. Việc cô ấm nhà Trump tham gia vào một quỹ quốc tế cũng đã khiến một số nhóm quan sát chú ý, những nhóm cho rằng việc thiết lập quỹ có thể sẽ gây ra một số xung đột về lợi ích. Cô Ivanka Trump cũng đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ sau khi ngồi vào vị trí của cha mình tại cuộc họp G20 vào tháng 7 vừa qua, thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới để giúp khởi động chương trình cho vay này, theo CNN.

Ông Kim cũng đã bảo vệ nỗ lực của cô Trump tại Hội nghị thượng đỉnh này. “Đây không phải là một dự án nhỏ dễ thương. Đây sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai…và nó sẽ thúc đẩy bình đẳng giới cùng một lúc”, ông Kim nhấn mạnh.

Bản thân ông Trump cũng từng ca ngợi Chủ tịch WB, gọi ông Kim là một “người bạn” và một “người tuyệt vời”, và ngụ ý rằng chính ông cũng sẽ chọn ông Kim vào vị trí này. “Tôi thậm chí có thể đã bổ nhiệm ông ấy, nhưng tôi đã không làm thế”, ông Trump cho biết trong cuộc họp G20 2017 ở Đức.

Ông Kim, năm nay 59 tuổi, đã nắm giữ vị trí này từ năm 2012, đã chuyển trọng tâm của ngân hàng thế giới sang thu hút đầu tư của khu vực tư nhân khác vào các dự án phát triển.

Kể từ khi được thành lập sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, WB phần lớn được lãnh đạo bởi những người Mỹ, tất cả họ đều do Tổng thống Mỹ bổ nhiệm. Mỹ cũng là “cổ đông” lớn nhất của WB.

Thực tiễn hoạt động của tổ chức này đã hứng chịu chỉ trích từ một số quốc gia khác, những nước yêu cầu rằng việc ngân hàng tập trung vào việc cấp vốn vay cho các nước phát triển cần phải có sự tham gia của lãnh đạo các khu vực khác, thay vì chỉ có Mỹ. Lãnh đạo của tổ chức chị em khác của WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng luôn luôn là người châu Âu.

Ảnh Reuters. 

Năm 2012, Tổng thống Mỹ đương thời Barack Obama đã phá vỡ truyền thông này với việc lựa chọn ông Kim, người bấy giờ đang giữ chức Chủ tịch của Đại học Dartmouth. Các lãnh đạo trước của WB đều xuất thân từ giới tài chính, nhưng ông Kim, sinh ra tại Hàn Quốc và lớn lên ở Iowa, Mỹ lại là một nhà nhân chủng học và bác sĩ có tay nghề. Ông Obama hồi đó nhấn mạnh đó là “thời điểm tuyệt vời để một chuyên gia phát triển lãnh đạo cơ quan phát triển lớn nhất thế giới”.

Hiện chưa rõ lý do ông Jim Yong Kim từ chức, song theo một số nguồn tin, quyết định này có thể phần lớn là do bất đồng giữa người đứng đầu WB với chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến các khoản cho vay dành cho Trung Quốc. Mỹ tuyên bố chỉ đồng ý tăng vốn cho WB nếu ngân hàng này giảm các khoản vay cho Trung Quốc. Chính quyền của ông Trump từ lâu đã chỉ trích rằng hoạt động phân bổ nguồn vốn của WB là thiếu hiệu quả.

Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết việc ông Kim từ chức đã khiến cả nhân viên và hội đồng giám đốc ngạc nhiên. Ông chỉ mới thông báo việc này sáng nay và gần như trước đó không có dấu hiệu sẽ nghỉ việc. Tuy vậy, Bloomberg cũng chỉ ra rằng sự ra đi đột ngột của ông Kim sẽ có thể tạo ra một cuộc chiến tìm người thay thế, ảnh hưởng đến việc triển khai nguồn vốn của WB và nhiều vấn đề khác. 

Duy Tiến
.
.
.