Nhà Trắng thách thức cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump

Thứ Năm, 10/10/2019, 07:34
Nhà Trắng chính thức từ chối hợp tác với cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump do đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện Mỹ tiến hành, gọi đây là cuộc điều tra “vi hiến”, “mang tính đảng phái” và nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau.


Trong bức thư gửi các lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện hôm 8-10, luật sư Nhà Trắng Pat Cipollone cho biết lý do của việc từ chối hợp tác với Hạ viện là bởi cuộc điều tra nhắm vào ông Trump không được thông qua bởi bất cứ cuộc bỏ phiếu toàn thể tại Hạ viện nào theo Reuters.

“Cách Hạ viện sắp đặt và tiến hành cuộc điều tra đã vi phạm tính công bằng cơ bản và quy trình theo yêu cầu của hiến pháp”, ông Cipollone viết trong thư. Lá thư cũng nhấn mạnh thêm: “Để hoàn thành nghĩa vụ với người dân Mỹ, với hiến pháp và cơ quan hành pháp cũng như tất cả những người kế nhiệm sau này, Tổng thống Trump và chính quyền của ông không thể hợp tác với cuộc điều tra vi hiến và mang tính đảng phái của quý vị trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Ông Cipollone đồng thời cho rằng, cuộc điều tra do phe Dân chủ tiến hành chỉ “đơn thuần nhằm mục đích chính trị”, nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2016 và tác động đến cuộc bầu cử năm 2020.

Bức thư của Nhà Trắng được gửi đi ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chặn Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland, người được cho là đã tham gia nhiều cuộc tiếp xúc với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ra làm chứng trước Hạ viện để cung cấp thông tin về mối liên hệ giữa ông Trump và ông Zelensky, đặc biệt là trong cuộc điện đàm hôm 25-7, khi ông chủ Nhà Trắng bị một quan chức tình báo giấu tên cáo buộc dùng khoản viện trợ 400 triệu USD để gây sức ép hối thúc Tổng thống Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm sau ở Mỹ và con trai Hunter Biden.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Zelensky gặp nhau ở New York tháng 9-2019.       Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump sau đó giải thích ông có yêu cầu với Tổng thống Ukraine vì nghi ngờ Joe Biden dùng quyền lực khi còn làm Phó tổng thống Mỹ hồi năm 2016 để giúp Burisma, công ty Ukraine có Hunter Biden làm việc, không bị điều tra hình sự. Tuy nhiên, phe đảng Dân chủ vẫn gọi hành động của ông Trump là lạm dụng chính sách đối ngoại để giành ưu thế chính trị cho cá nhân trước thềm cuộc bầu cử và mở cuộc điều tra luận tội từ ngày 24-9.

Sau bước đi của Bộ Ngoại giao, Tổng thống Trump một lần nữa tuyên bố mình vô tội và lên án buổi làm chứng của Sondland trước Hạ viện. “Ông ấy sẽ làm chứng trước một tòa án giả hiệu và hoàn toàn bị dàn xếp, nơi quyền lợi của đảng Cộng hòa bị tước đi và sự thật lại không được công khai”, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter.

Đáp lại, các nghị sĩ Dân chủ lên án nỗ lực ngăn chặn lời khai của Sondland, gọi đây là hành vi cản trở điều tra và tuyên bố sẽ gửi trát triệu tập cho đại sứ này, buộc ông trả lời các câu hỏi. Liên quan đến bức thư của Cipollone, thủ lĩnh phe Dân chủ - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 8-10 lên án Nhà Trắng đang tính toán che giấu sự thật.

“Bức thư này rõ sàng sai trái và đơn thuần là một tính toán che giấu những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm gây sức ép đối với các nước để can thiệp vào các cuộc bầu cử năm 2020 ở Mỹ”, bà Pelosi nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff, một trong những nhân vật chủ chốt trong cuộc điều tra thì nhấn mạnh: “Nhà Trắng nói rằng gây áp lực buộc chính phủ nước ngoài can thiệp bầu cử ở Mỹ là không có gì sai. Họ nói: họ sẽ không hợp tác với cuộc điều tra luận tội trừ khi cuộc điều tra được tiến hành theo các điều khoản của họ. Có nghĩa là: Tổng thống là trên luật pháp. Điều này không hề đúng với hiến pháp”.

Theo Reuters, ngoài Sondland, phe Dân chủ tại Hạ viện hôm 7-10 cũng ban hành trát yêu cầu tài liệu với Bộ Quốc phòng và Văn phòng quản lý và ngân sách Nhà Trắng. Tuyên bố từ 3 ủy ban Hạ viện dẫn đầu cuộc điều tra gồm Ủy ban giám sát, Ủy ban Tình báo và Ủy ban đối ngoại cho biết: “Các cơ quan đang điều tra để xem xét mức độ nguy hại đến an ninh quốc gia mà Tổng thống Trump đã gây ra thông qua việc thúc ép Ukraine can thiệp vào cuộc bầu cử 2020 cũng như các nỗ lực che đậy vấn đề này”.

Tuyên bố nêu rõ, Bộ Quốc phòng cùng Văn phòng quản lý và ngân sách Nhà Trắng phải bàn giao tài liệu trước ngày 15-10. Ngoài yêu cầu tài liệu, đảng Dân chủ cũng triệu tập một số nhà ngoại giao Mỹ tới các phiên điều trần kín dự kiến diễn ra tuần này, song chưa rõ có quan chức nào xuất hiện hay không. Reuters diễn giải những nội dung nêu trong thư của ông Cipollone đồng nghĩa với lời khẳng định rằng các quan chức trong chính quyền Mỹ được phép từ chối yêu cầu triệu tập ra làm chứng hoặc cung cấp thông tin cho Hạ viện.

Hôm 8-10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang chuẩn bị làm việc với Hạ viện để làm rõ những câu hỏi liên quan đến khoản viện trợ dành cho Ukraine, song các thông tin đó được cho là không khiến ông Trump gặp bất lợi.

Giới quan sát nhận định, sau thất bại với nỗ lực “hạ bệ” ông Trump liên quan cáo buộc “thông đồng với Nga” trong cuộc bầu cử năm 2016, đảng Dân chủ lần này rõ ràng có nhiều cơ sở hơn nhằm làm lung lay vị thế chính trị của đương kim Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, để ông Trump thực sự bị luận tội, yêu cầu đó cần được 2/3 nghị sĩ Thượng viện thông qua trong một cuộc bỏ phiếu công khai.

Hiện, đảng Cộng hòa có 53/100 ghế ở Thượng viện, đảng Dân chủ có 45 ghế nhưng thường nhận sự hỗ trợ từ 2 thượng nghị sĩ độc lập nên có thể xem là đang nắm 47 ghế. Với tình hình hiện nay, khả năng 20 thượng nghị sĩ Cộng hòa đứng về phe Dân chủ để luận tội Tổng thống Trump là rất khó xảy ra. Nội bộ đảng Cộng hòa còn một số nghị sĩ tỏ ra không hài lòng với Tổng thống Trump, song đa số ủng hộ ông và muốn ông tái đắc cử vào năm sau.

Mới đây, lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nghị sỹ Kevin McCarthy đã phát đi tuyên bố yêu cầu Chủ tịch Hạ viện Pelosi chấm dứt ngay yêu cầu luận tội cho tới khi “những quy tắc, quy trình minh bạch và công bằng được thiết lập”. Một số người khác thậm chí ủng hộ quan điểm cần điều tra ông Joe Biden, cho rằng Tổng thống Mỹ là “người thổi còi” chân chính khi yêu cầu Ukraine điều tra ông Biden và con trai về nghi án tham nhũng.

Từ Kiev, Tổng thống Zelensky cũng bác bỏ cáo buộc ông chịu sức ép của Tổng thống Mỹ và gọi cuộc trò chuyện hồi tháng 7 với ông Trump là “cuộc trao đổi tốt”, “bình thường” và “chẳng có ai gây sức ép nào với tôi”.

Thiện Nhân
.
.
.