Nguy cơ tuyệt chủng từ biến đổi khí hậu

Thứ Năm, 24/11/2016, 15:59

Các nhà khoa học Mỹ cho rằng, thế giới sắp phải đối mặt với cuộc đại tuyển chủng hàng loạt đầu tiên kể từ khi khủng long biến mất cách đây 65 triệu năm. 

Nghiên cứu của các giáo sư thuộc trường Đại học Arizona – Mỹ về 266 loài côn trùng, động vật lưỡng cư, chim, động vật có vú và bò sát đã chỉ ra rằng rất nhiều loài trong số chúng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Hầu hết các loài thực vật và động vật không thể kịp thích ứng với tốc độ biến đổi khi hậu nhanh chóng mặt như hiện nay.

Các loài động vật lưỡng cư, bò sát và thực vật là những thành phần dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt, những loài sinh sống ở vùng nhiệt đới có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn những loài sống ở vùng ôn đới.

Một số loài động vật có khả năng di cư tới nơi ở vĩ độ cao hơn để sinh sống, tuy nhiên số còn lại bắt buộc phải đối mặt với hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra. Động vật có vú và các loài chim sẽ thích nghi tốt hơn so với các loài động vật lưỡng cư và bò sát bởi chúng có khả năng điều chỉnh được thân nhiệt.

Theo một cuộc khảo sát toàn diện về động vật hoang dã thực hiện trong tháng 10 của Living Planet thì thế giới đang tiến rất gần tới cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên kể từ thời kỳ khủng long biến mất cách đây 65 triệu năm. 

Ngoài ra, tính đến năm 2020, số lượng động vật có vú, chim, cá, bò sát và các loài có xương sống khác trên thế giới sẽ giảm đi tới hơn 2/3 chỉ trong khoảng thời gian là 50 năm.

Tóm lại, các kết quả nghiên cứu đều chỉ ra rằng tốc độ thay đổi để thích ứng của phần lớn các loài thực và động vật đang chậm hơn đáng kể so với tốc độ biến đổi  khí hậu. Đây có thể coi là hiểm họa kép mà thế giới phải đối diện trong tương lai. 

Như Uyên (Theo Independent)
.
.
.