Người tị nạn châu Phi ồ ạt tấn công hàng rào biên giới Tây Ban Nha

Thứ Hai, 02/01/2017, 10:06
Hơn 1.000 người di cư tới từ các vùng lãnh thổ lân cận sa mạc Sahara, châu Phi hôm 1-1 đã tấn công hàng rào đôi giữa Morocco và thành phố Ceuta của Tây Ban Nha để tìm cách vào được châu Âu.


Theo Reuters sáng 2-1 dẫn lời văn phòng đại diện chính quyền thành phố Ceuta, Tây Ban Nha cho biết, một nhóm khoảng 1.100 người tới từ các vùng cận sa mạc Sahara, châu Phi đã tấn công hàng rào biên giới lúc 4h sáng ngày 1-1 "một cách cực kỳ bạo lực và có tổ chức" để tìm cách đến được châu Âu.

Một người tị nạn tới từ châu Phi bị mắc kẹt trên hàng rào phân cách châu Âu và châu Phi tại vùng lãnh thổ Ceuta của Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters

Lực lượng biên giới địa phương cho hay, nhiều người trong số những người di cư đã leo đến đỉnh hàng rào cao khoảng 6m nhưng sau đó đã được đưa xuống bằng cần cẩu. 

Sau vụ việc, chỉ có hai người được phép ở lại thành phố Ceuta để chữa trị trong khi những người còn lại bị trao trả cho chính quyền Morocco.

Vụ tấn công đã khiến ít nhất 5 cảnh sát Tây Ban Nha và 50 thành viên thuộc lực lượng bảo vệ biên giới Morocco bị thương, trong đó có 10 người bị thương nặng và một người bị hỏng hẳn một mắt.

Bộ Nội vụ Morocco trong một tuyên bố sau đó khẳng định, những người có ý định xâm nhập lãnh thổ Tây Ban Nha sẽ bị bắt và phải đối mặt với cơ quan tư pháp và có thể bị trục xuất khỏi nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra việc người di cư muốn vượt hàng rào biên giới giữa Maroc và Tây Ban Nha. Hôm 9-12-2016, cảnh sát Tây Ban Nha đã phát hiện hơn 400 người di cư định đang có ý định xâm nhập trái phép vào nước nào thông qua hàng rào ngăn cách châu Âu và châu Phi này.

Hôm 1-1, lực lượng bảo vệ bờ biển Tây Ban Nha cho biết, họ đã giải cứu 52 người di cư trên một chiếc thuyền nhỏ ở bờ biển phía Nam của Malaga.

Những người di cư tin rằng họ sẽ có cuộc sống tốt hơn khi đặt chân tới các vùng lãnh thổ thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Ceuta và Melilla là hai vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha nằm ở khu vực Bắc Phi và tiếp giáp với Morocco. Đây cũng chính là nơi duy nhất thuộc EU có biên giới đất liền giáp với châu Phi và là một trong những điểm nóng của làn sóng di cư bất hợp pháp.

Phùng Nguyễn
.
.
.