Người đứng đầu WHO khẳng định những nỗ lực của tổ chức này giữa đại dịch COVID-19

Thứ Sáu, 10/04/2020, 09:04
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng bảo vệ những nỗ lực của tổ chức này trong ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời, trực tiếp đáp trả những lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 7-4, đã chỉ trích WHO, tuyên bố rằng họ đã hạ thấp sự nguy hiểm của virus và đe dọa sẽ rút các khoản tài trợ cho tổ chức này. “Tôi không nói rằng tôi sẽ làm điều đó, nhưng chúng tôi sẽ xem xét”, ông Trump cho biết.

Trước đây, Tổng thống Mỹ từng không hài long khi WHO không ủng hộ đề xuất của ông về hạn chế đi lại với Trung Quốc. Ngày 8-4, ông Trump cho rằng tổ chức này đang nghiêng về phía Trung Quốc. Ông Trump cũng tiếp tục lập luận với ngụ ý rằng số ca tử vong vì COVID-19 đã không khủng khiếp như vậy nếu như WHO đánh giá đúng tình hình.

Về phần mình, người đứng đầu WHO cũng đã chỉ ra những nỗ lực của tổ chức y tế lớn nhất thế giới trong thời gian qua nhằm đối phó với đại dịch. Vào ngày đầu tiên của năm 2020, một ngày sau khi Trung Quốc báo cáo một loạt các trường hợp nhiễm virus ở Vũ Hán, WHO đã triển khai “đội đặc nhiệm” giải quyết vấn đề khẩn cấp nhằm phối hợp các biện pháp ứng phó tại trụ sở chính cũng như các văn phòng đại diện khu vực, quốc gia.

Ngày 5-1, WHO đã thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên về đợt bùng phát mới và đăng tải tin tức về dịch bệnh này trên trang web của mình. Ngày 10-1, WHO đưa ra một loạt các hướng dẫn toàn diện cho các quốc gia về cách phát hiện và kiểm tra các trường hợp có khả năng nhiễm virus. 

Cuối tháng, sau khi các trường hợp lây lan cộng đồng đầu tiên được báo cáo bên ngoài Trung Quốc, WHO “tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cấp quốc tế”, mức báo động cao nhất của WHO.

 “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể, chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ - cả ngày lẫn đêm - để cứu nhiều người. Chúng tôi không muốn lãng phí thời gian”, ông Tedros cho biết, đồng thời nhấn mạnh, WHO đang đánh giá những điểm mạnh và yếu, những bài học rút ra khi đối mặt với một vấn đề y tế nghiêm trọng như COVID-19.

WHO từng tuyên bố không khuyến nghị bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động đi lại hoặc thương mại, nhấn mạnh rằng “các biện pháp đó có thể có cơ sở y tế công cộng khi bắt đầu giai đoạn ngăn chặn dịch bệnh” nhưng chỉ nên được tiến hành trong thời gian ngắn vì chúng không thực sự hiệu quả. 

WHO đã bị chỉ trích vì quá dựa vào các số liệu của chính phủ Trung Quốc liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19. Tổ chức này cũng từng bị chỉ trích vì một bài đăng trên Twitter ngày 14-1 lưu ý rằng cuộc điều tra sơ bộ của Trung Quốc không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc chủng mới của virus Corona có thể truyền từ người sang người.

WHO ngày 30-1 đưa ra tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng” đối với dịch COVID-19 đồng nghĩa với việc tổ chức này đã công nhận rằng virus này là mối đe dọa quốc tế, vượt ra bên ngoài Trung Quốc. 

Tuyên bố này được đưa ra một ngày trước khi ông Trump hạn chế việc đi lại từ Trung Quốc đến Mỹ. Ngày 4-2, tổ chức này cho biết COVID-19 chưa đạt đến mức độ đại dịch, mà coi nó là một dịch bệnh xảy ra tại nhiều địa điểm; một dịch bệnh với số ca nhiễm nhiều hơn bình thường.

Ngày 11-3, WHO đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch, đồng nghĩa với sự lây lan trên phạm vi toàn cầu của một loại dịch bệnh mới.

Theo Guardian, không giống số liệu ông Trump đưa ra, dù là nước đổ nhiều tiền nhất vào WHO, Mỹ chỉ hỗ trợ khoảng 200 triệu USD/năm, không lớn nếu so với số tiền Mỹ đầu tư vào các tổ chức khác. Thêm nữa, tổng ngân sách 2,5 tỷ USD mà WHO nhận được mỗi năm không hề tăng thêm trong hơn 30 năm qua trong khi tổ chức này có hoạt động và sứ mệnh trên toàn cầu.

Lawrence Gostin, Giáo sư Luật Y tế Công tại Đại học Georgetown cho biết: “Ngân sách của WHO chỉ tương đương với một bệnh viện lớn tại Mỹ, tức là hết sức hạn hẹp so với trọng trách của tổ chức này. Nếu ông Trump lãnh đạo WHO, chắc chắn ông ấy sẽ đòi hỏi ít nhất là gấp đôi khoản ngân sách mà WHO đang có chỉ để đối phó với COVID-19”.

Giới chuyên gia y tế thế giới cũng đánh giá cao sự minh bạch và khả năng ứng phó nhanh chóng với dịch COVID-19 của WHO dưới thời ông Tedros. Năng lực của WHO hiện tại tốt hơn nhiều so với những gì Tổ chức này đã làm hồi năm 2014 khi dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi.

“Tôi từng chỉ trích WHO và đánh giá năng lực của họ trong giải quyết đại dịch Ebola là thảm họa. Tuy nhiên, theo tôi, những gì WHO đã làm trong đại dịch COVID-19 dù chưa hoàn hảo nhưng đã khá tốt”, Giáo sư Y tế Công cộng tại Đại học Harvard Ashish Jha nhận định. 

Dù vậy, các chuyên gia vẫn bày tỏ lo ngại về những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới khi dịch COVID-19 đạt đỉnh ở nhiều quốc gia trong khi nguồn lực của WHO là rất hạn chế.

Gia Khoa
.
.
.