Ngoại trưởng Nga-Mỹ lần đầu điện đàm, bàn về số phận của Navalny
- Tòa án Nga tuyên phạt Navalny 3,5 năm tù giam
- Nga bắt vợ Navalny và 600 người khác vì biểu tình trái phép
- Nga bắt giữ ông Navalny ngay khi trở về từ Đức
Thông tấn Nga TASS cho biết cuộc điện đàm được hai nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ thực hiện hôm 4/2. "Theo sau cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống Vladimir Putin và Joe Biden, họ (ngoại trưởng Nga-Mỹ) hoan nghênh việc gia hạn Hiệp ước New START đến 2026", Bộ Ngoại giao Nga thông tin.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS |
Phía Nga nói rằng, ông Lavrov và ông Blinken có chung nhận định việc hai nước thống nhất gia hạn New START, có tên đầy đủ là Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, sẽ giúp duy trì thế cân bằng chiến lược giữa hai siêu cường quân sự.
"Họ đã đề cập đến vấn đề đảm bảo khả năng dự báo của mỗi nước trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, xem xét việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và triển vọng (Mỹ tái gia nhập) Hiệp ước Bầu trời Mở", Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ thêm.
Trước đó, trong các năm 2019 và 2020, nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi INF và Hiệp ước Bầu trời Mở với cùng cáo buộc Nga đã vi phạm các thỏa thuận, nhưng không đưa ra bằng chứng. Cả hai văn kiện trên đều có vai trò quan trọng nhằm duy trì lòng tin giữa Nga và Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh.
Vấn đề nhân vật đối lập Alexei Navalny cũng được ông Lavrov và ông Blinken thảo luận. Navalny bị tòa án Nga kết án 3,5 năm tù giam cách đây vài ngày do trốn tránh nghĩa vụ liên quan đến một vụ án gian lận thương mại vào năm 2014. Mỹ phản đối hành động của Nga và yêu cầu Nga thả Navalny.
Theo TASS, Ngoại trưởng Nga khẳng định bất cứ ai vi phạm luật pháp Nga sẽ đều bị xử lý theo luật pháp và các trình tự pháp lý của Nga. Ông Lavrov cũng nhắc nhở ông Blinken về việc người biểu tình ở Mỹ bị đàn áp sau kỳ bầu cử tháng 11 năm ngoái và hối thúc phía Mỹ xử lý minh bạch các trường hợp trên.
Các vấn đề khác được hai Ngoại trưởng Nga-Mỹ thảo luận gồm hợp tác trong phát triển vaccine ngừa COVID-19, vấn đề Syria, Lybia cũng như tình hình ở Ukraine.
Cùng ngày, Reuters dẫn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Blinken đã kêu gọi Nga trả tự do hai công dân Mỹ là Paul Whelan, người bị Nga bắt giam vì tội gián điệp và Trevor Reed, người bị phạt tù vì tội hành hung cảnh sát.
Quan hệ Nga-Mỹ đi xuống nhanh chóng sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tình hình ngày càng xấu đi sau khi chính quyền Barack Obama- Joe Biden năm 2016 cáo buộc Nga can thiệp bầu cử nhưng không đưa ra bằng chứng nào, đồng thời kêu gọi đồng minh trục xuất giới ngoại giao Nga.
Trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Donald Trump, bất chấp phát biểu của hai bên về khả năng cải thiện quan hệ, Nga và Mỹ vẫn thường xuyên ban bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào đối phương.
Reuters nhận định, chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với Nga so với chính quyền tiền nhiệm. Tuy vậy, phía Nga vẫn kỳ vọng Washington có thể cùng Moscow mở ra chương mới trong quan hệ song phương.